Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Trần Châu cho biết: "Sau khi EC phạt thẻ vàng đối với thủy sản Việt Nam, tỉnh Bình Định đã có nhiều nỗ lực để thực hiện các khuyến nghị của EC, chống đánh bắt IUU. UBND tỉnh Bình Định đã ban hành 13 văn bản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh ban hành 16 văn bản tổ chức chỉ đạo, triển khai các giải pháp cấp bách nhằm tháo gỡ thẻ vàng của EC.
“UBND tỉnh đã tổ chức 6 cuộc họp chỉ đạo các ngành, các địa phương triển khai quyết liệt các hoạt động liên quan đến chống khai thác IUU. Chúng tôi hi vọng chuyến kiểm tra và giám sát này của đoàn EC sẽ thấy được những kết quả nỗ lực của Bình Định. Chúng tôi hi vọng đến 1/1/2019, EC sẽ gỡ "thẻ vàng" đối với thủy sản Việt Nam", Phó Chủ tịnh UBND tỉnh Bình Định Trần Châu cho hay.
Còn theo ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định, tỉnh đã thu hồi giấy phép khai thác thủy sản, xóa đăng ký tàu cá, công bố danh sách tàu cá vi phạm khai thác IUU lên trang thông tin điện tử của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tỉnh cũng đã tổ chức kiểm điểm và công bố danh sách tàu cá, chủ tàu và thuyền viên vi phạm trên đài phát thanh địa phương, đồng thời chuyển hồ sơ tàu cá vi phạm cho cơ quan chức năng để thu thập chứng cứ và xử lý hành vi vi phạm của chủ tàu, thuyền trưởng.
"UBND tỉnh Bình Định đã tổ chức kiểm điểm trách nhiệm 7 lãnh đạo UBND xã và 2 huyện Hoài Nhơn và Phù Cát để tàu cá xảy ra vi phạm. Bình Định cũng đã nâng cao năng lực quản lý, kiểm tra, kiểm soát chống khai thác IUU tại các cảng cá trong tỉnh; đồng thời tăng cường công tác kiểm soát tàu cá xuất nhập bến; kiểm soát trên biển về chống khai thác IUU; hoàn thiện đề án thành lập Cơ quan Kiểm ngư tỉnh Bình Định dự kiến cuối năm 2018 sẽ chính thức thành lập, đi vào hoạt động", ông Phan Trọng Hổ nêu rõ.
Trưởng đoàn Ủy ban Nghề cá của Nghị viện châu Âu Mato Gabriel đã đánh giá cao những cố gắng của tỉnh Bình Định và hi vọng những nỗ lực này sẽ giúp đưa đến kết quả là EC sớm gỡ "thẻ vàng" cho thủy sản Việt Nam.
Ông Mato Gabriel cho hay: “Đến đây, chúng tôi có thể thấy được tầm quan trọng của thủy sản đối với sự phát triển của tỉnh. Bình Định có số lượng tàu lớn; trong đó gần 50% đánh bắt xa bờ. Ngành nuôi trồng thủy sản ở đây cũng ngày càng phát triển. Để thực hiện chống đánh bắt IUU có hiệu quả cần phải có cam kết mạnh mẽ từ cơ quan quản lý đến tận ngư dân”.
Nghị sĩ Pito Antonio (thành viên đoàn EP) đánh giá: "Tôi tin tưởng Việt Nam sẽ thẳng thắn trong cuộc chiến chống khai thác IUU. Có thể đạt được, có thể chưa đạt được IUU ngay, nhưng chúng ta phải quyết tâm. Tôi rất vui vì Việt Nam đã tham gia vào Hiệp hội Chống khai thác thủy sản trái phép. Cá nhân tôi sẽ tích cực tuyên truyền để ủng hộ Hiệp định thương mại tự do giữa châu Âu và Việt Nam, đồng thời thúc đẩy tháo gỡ “thẻ vàng” cho thủy sản Việt Nam".
Tại buổi làm việc, các Nghị sĩ châu Âu đều đánh giá Việt Nam có nhiều tiến bộ quan trọng về cải cách khuôn khổ pháp lý để thực hiện theo khuyến nghị của EC, có thái độ tích cực, thực hiện tốt các biện pháp cấp bách để tháo gỡ “thẻ vàng”.
Cùng ngày, Đoàn Ủy ban Nghề cá của Nghị viện châu Âu đã đi kiểm tra và làm việc tại cảng cá Quy Nhơn, Công ty cổ phần thủy sản Bình Định và Hiệp hội Cá ngừ Bình Định. Tất cả những địa điểm này đều được đoàn đánh giá cao.