EU công bố quy chế Hệ thống ưu đãi thuế quan phổ cập mới

Ngày 31/10, Liên minh châu Âu (EU) chính thức công bố Hệ thống ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) sửa đổi nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa của các quốc gia đang phát triển tiếp cận thị trường EU. GSP sửa đổi này sẽ chính thức có hiệu lực và thay thế cho hệ thống hiện hành kể từ ngày 1/1/2014.

So với hệ thống hiện hành thì GSP sửa đổi có quy định chặt chẽ hơn và thu hẹp phạm vi được hưởng quy chế này từ 176 quốc gia và vùng lãnh thổ xuống còn 89. Các quốc gia và vùng lãnh thổ được hưởng GSP mới không giống nhau mà được chia thành hai nhóm: nhóm các quốc gia kém phát triển nhất gồm 49 quốc gia sẽ được hưởng quy chế "tất cả trừ vũ khí" và nhóm 40 quốc gia có thu nhập thấp hoặc dưới trung bình.

Đáng chú ý, cùng với Campuchia và Lào, Myanmar sẽ được hưởng quy chế "tất cả trừ vũ khí" (tất cả các mặt hàng xuất khẩu sang EU không phải chịu thuế trừ vũ khí). Việt Nam cùng với ba nước Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) khác gồm Thái Lan, Philippines, Indonesia thuộc nhóm thứ hai sẽ được hưởng ưu đãi thuế quan đối các nhóm mặt hàng cụ thể theo quy định của EU.

Tuy nhiên, EU sẽ áp dụng cơ chế "trưởng thành" đối với một loại hàng hóa hay nhóm hàng được hưởng GSP mới. Theo đó, một loại hàng hóa hay nhóm hàng sẽ không được nhận ưu đãi thuế quan của EU nếu như thị phần vượt quá 17,5% (đối với dệt may là 14,5%) và được cho là có tính cạnh tranh.

Theo quy định GSP mới, 87 quốc gia và vùng lãnh thổ không còn nằm trong danh sách được hưởng ưu đãi thuế quan của EU do có thu nhập bình quân đầu người ở mức cao hoặc trên trung bình trong ba năm gần đây hoặc đã có những hiệp định thương mại với EU.

Ra đời từ năm 1971, GSP của EU nhằm giúp các quốc gia kém phát triển và đang phát triển có điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận thị trường EU và từ đó từng bước hội nhập đầy đủ vào hệ thống thương mại quốc tế.

Theo tính toán của EU, trong năm 2011, tổng giá trị hàng hóa được hưởng GSP lên đến 87 tỷ euro, bằng 5% tổng giá trị nhập khẩu của EU và 11% tổng giá trị nhập khẩu của EU từ các nước đang phát triển.


TTXVN/Tin tức

POSCO kiến nghị lập hàng rào thuế quan thép nhập khẩu

Tập đoàn thép POSCO (Hàn Quốc) tại Việt Nam - văn phòng POSCO-South Asia Hà Nội vừa gửi văn bản kiến nghị Văn phòng Chính phủ về việc xây dựng hàng rào phi thuế quan đối với việc nhập khẩu thép vào Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN