Trước đó, Apple thông báo hãng này đã đạt được thỏa thuận mua lại Shazam (có trụ sở tại Anh) với giá trị 400 triệu USD vào tháng 12/2017, nhằm đảm bảo ưu thế trong cạnh tranh dịch vụ trực tuyến với phần mềm Spotify, vốn đang chiếm ưu thế trên thị trường.
Tiến hành cuộc điều tra đối với việc Apple mua lại Shazam tiếp tục trở thành vấn đề tranh cãi giữa Brussels với các công ty ở Thung lũng Silicon (Mỹ), trong bối cảnh EU ngày càng thắt chặt hơn nữa các quy định đối với các công ty như Facebook, Google và Amazon.
Trước đó, trong tháng 2/2018, Ủy ban châu Âu (EC) cho biết họ sẽ cân nhắc một cuộc thẩm tra đối với Shazam theo yêu cầu của các nước thành viên EU, gồm có Áo, Pháp, Italy, Tây Ban Nha và Thụy Điển cũng như các nước Na Uy và Iceland vốn nằm ngoài EU, nhưng là một phần của Khu vực Kinh tế châu Âu (EEA). Theo đó, EC nói: “Ủy ban lo ngại rằng vụ sáp nhập trên có thể làm giảm lựa chọn của người sử dụng các dịch vụ phát nhạc trực tuyến”.
Ngoài ra, EU cũng sẽ tiến hành điều tra về khả năng các đối thủ cạnh tranh của Apple Music, có thể bị tổn hại hay không nếu Apple ngừng việc liên kết từ phần mềm Shazam tới các đối thủ khác.
Shazam, được sáng lập vào năm 1999 trong thời kỳ đầu của âm nhạc trực tuyến, đã đưa ra một biện pháp hỗ trợ đối với người nghe nhạc bằng cách tìm ra tên của các bài hát khó tìm thấy trên các chương trình radio trực tuyến, tại các buổi tiệc hoặc dưới dạng các nhạc nền bài hát.
Các nhà quản lý điều hành Shazam đã phải vất vả để tìm cách kiếm tiền từ công nghệ của mình, ngay cả khi phần mềm này có được hơn một tỷ lượt tải về trên điện thoại di động thông minh trong năm ngoái. Shazam gần đây được biết là đã kinh doanh hiệu quả hơn, nhờ quảng cáo và định hướng đến các trang mạng khác như Spotify và Apple Music.