Phát biểu tại phiên khai mạc hội nghị thượng đỉnh thường niên giữa Trung Quốc và EU ở Bắc Kinh, Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Donald Tusk cho rằng châu Âu, Trung Quốc, Mỹ và Nga phải có "một nghĩa vụ chung" là không phá hủy trật tự thương mại thế giới mà phải cải thiện nó bằng cách cải tổ những quy định thương mại quốc tế.
Ông Tusk cảnh báo các bên không châm ngòi cho các cuộc chiến tranh thương mại vốn thường biến thành những cuộc "xung đột nóng" như lịch sử đã ghi nhận. Ông nhấn mạnh thế giới cần cải tổ thương mại chứ không phải đối đầu, và "vẫn còn thời gian để ngăn chặn xung đột và hỗn loạn".
Trước đó cùng ngày, Chủ tịch EC Donald Tusk đã có cuộc hội đàm với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (Li Keqiang) trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh. Tại cuộc hội đàm, ông Tusk cho rằng Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cần những quy tắc mới về việc chuyển giao công nghệ bắt buộc và những khoản trợ cấp cho ngành công nghiệp.
Về phần mình, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho biết nước này muốn hướng đến thương mại cân bằng hơn với EU. Theo ông, Trung Quốc cần thúc đẩy các cuộc đàm phán hiệp định đầu tư với EU và cả hai bên cần chia sẻ mục tiêu sớm hoàn tất các thỏa thuận.
Hội nghị thượng đỉnh thường niên Trung Quốc-EU diễn ra vài giờ trước khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin dự kiến có cuộc gặp thượng đỉnh ở Helsinki (Phần Lan) trong ngày 16/7.
Hội nghị diễn ra trong bối cảnh căng thẳng thương mại đang leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc sau khi Washington áp đặt mức thuế 25% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá 34 tỷ USD. Mỹ trước đó cũng đã áp thuế đối với mặt hàng thép và nhôm nhập khẩu từ các đồng minh như Canada, Mexico và EU. Đáp lại, 28 nước thành viên EU đã áp mức thuế nhập khẩu đối với hàng hóa Mỹ trị giá 3,25 tỷ USD.
Giữa lúc xuất hiện những lo ngại về tác động của căng thẳng thương mại Mỹ-Trung đối với nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, Cục Thống kê quốc gia của Trung Quốc ngày 16/7 cho biết giá tiêu dùng ở nước này sẽ bị tác động "rất ít", theo đó chi tiêu tiêu dùng dự kiến duy trì ổn định trong nửa cuối năm 2018. Cũng theo cơ quan trên, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc chỉ giảm nhẹ trong quý II vừa qua.
Cụ thể, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này tăng 6,7%, giảm so với mức tăng 6,8% trong quý trước đó song cao hơn mức mục tiêu hàng năm 6,5% của chính phủ. Giới phân tích nhận định tác động của xung đột thương mại với Mỹ chưa hoàn toàn rõ nét đối với nền kinh tế Trung Quốc.
Trong khi đó, đối với quốc gia láng giềng Hàn Quốc, bất đồng thương mại Mỹ-Trung có thể khiến xuất khẩu của Hàn Quốc giảm 1,6% và tăng trưởng kinh tế giảm 0,5%, trong trường hợp tăng trưởng kinh tế Trung Quốc giảm 1%.
Báo cáo đánh giá của Viện nghiên cứu Hyundai của Hàn Quốc cho rằng do sự lệ thuộc lớn của Hàn Quốc vào nền kinh tế Trung Quốc nên xung đột thương mại với Mỹ có thể ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế lớn thứ tư châu Á này. Trong khi đó, Mỹ và Trung Quốc hiện là hai đối tác thương mại hàng đầu của Hàn Quốc.