Các Bộ trưởng Tài chính Liên minh châu Âu (EU) ngày 23/1 đã thông qua hiệp ước siết chặt các quy định liên quan Cơ chế Ổn định châu Âu (ESM) - quỹ cứu trợ dài hạn của Khu vực đồng euro thay thế quỹ cứu trợ ngắn mang tên Cơ chế Ổn định Tài chính châu Âu (EFSF) sẽ hết hiệu lực vào năm 2013.
Theo hiệp ước, ESM chỉ được áp dụng đối với những nước thông qua Công ước tài chính mới, dự kiến sẽ được các nước thành viên EU, trừ Anh, ký vào tháng 3 tới. Công ước tài chính mới được xem là "nguyên tắc vàng" nhằm siết chặt kỷ luật ngân sách để tránh nguy cơ tái diễn khủng hoảng nợ công.
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet. |
Các nhà lãnh đạo EU dự định thông qua ESM tại cuộc họp cấp cao vào ngày 30/1 tới để từng nước thành viên ký văn bản này vào tháng 2. EMS sẽ được triển khai vào tháng 7/2012, song song với EFSF cho đến khi quỹ ngắn hạn này hết hiệu lực vào giữa năm 2013. Khả năng cho vay tối đa của 2 quỹ này là 500 tỷ euro, song các nhà hoạch định chính sách EU sẽ kiểm tra liệu con số này có thích hợp hay không trước khi triển khai EMS.
* Kết thúc cuộc họp kéo dài đến rạng sáng 24/1, các Bộ trưởng Tài chính Khu vực đồng euro đã yêu cầu Hy Lạp cải cách kinh tế mạnh mẽ để được nhận gói cứu trợ thứ hai từ EU và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Các bộ trưởng đồng thời kêu gọi các chủ nợ tư nhân nới lỏng quy định về lãi suất đối với những trái phiếu sẽ được Aten phát hành theo chương trình hoán đổi nợ.
Ủy viên châu Âu phụ trách các vấn đề kinh tế Olli Rehn cho biết Hy Lạp sẽ phải đẩy nhanh việc cải cách thị trường lao động và một số thị trường khác. "Bộ ba" tham gia cứu trợ Hy Lạp - gồm Ủy ban châu Âu (EC), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và IMF - có trách nhiệm kiểm tra những hoạt động mà Aten cần ưu tiên thực hiện để được nhận gói cứu trợ thứ hai. Bộ trưởng Tài chính Hà Lan Jan Kees de Jager xác nhận Hy Lạp phải kiên quyết đẩy nhanh việc tái cơ cấu và thúc đẩy tăng trưởng để được nhận các khoản cứu trợ tiếp theo.
Trước đó, cuộc đàm phán mới về giảm nợ cho Hy Lạp lại lâm vào ngõ cụt do bất đồng về các điều kiện hoán đổi nợ. Người đứng đầu Nhóm các Bộ trưởng Tài chính Khu vực đồng euro Jean Claude Juncker đề nghị mức lãi suất 3,5% đến 4% cho các trái phiếu sẽ được Aten phát hành để hoán đổi nợ. Aten khẳng định không thể chấp nhận mức lãi suất quá 3,5%, trong khi các ngân hàng tư nhân yêu cầu mức lãi suất thấp nhất là 4%. Viện Tài chính Quốc tế (IIS), đại diện cho các ngân hàng tư nhân, cho rằng đây là mức lãi suất hợp lý nhất có thể chấp nhận được.
Các bên quyết định lùi thời hạn chót đạt thỏa thuận về vấn đề này đến ngày 13/2, một tuần trước khi Aten có thể bị vỡ nợ công nếu không có tiền thanh toán khoản nợ trái phiếu đáo hạn lên tới 14,4 tỷ euro.
TTXVN/Tin Tức