Đây là chương trình nằm trong chuỗi sự kiện phổ biến và lấy ý kiến rộng rãi về Hiệp định EVFTA trước khi hiệp định được Chính phủ làm các thủ tục phê chuẩn theo luật định.
Thông qua hội nghị cũng để cộng đồng doanh nghiệp trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ thể hiện góc nhìn, xác định những thách thức, trở ngại trước ngưỡng cửa hội nhập rộng mở mà Hiệp định EVFTA mang lại góp phần tích cực vào việc xây dựng các chính sách thiết thực, hiệu quả, đồng thời định hướng giải pháp nhằm tận dụng tối đa cơ hội, giảm thiểu thách thức.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, kể từ sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2007 đến nay, bối cảnh quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp, xu hướng bảo hộ mậu dịch đã nổi lên ở nhiều nước và khu vực, thậm chí ngay tại những quốc gia có truyền thống ủng hộ tự do hóa thương mại.
Mặc dù vậy, Việt Nam vẫn thuộc nhóm nước kiên định thúc đẩy tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế mà kết quả rõ nhất là việc gia nhập, ký kết 14 Hiệp định Thương mại tự do (FTA); trong đó có 2 Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA).
Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, Việt Nam là nước thứ hai trong ASEAN và là nước đang phát triển đầu tiên trong khu vực ký kết FTA với EU. Đây là kết quả của chặng đường dài, thể hiện các bước tiến lớn để đưa nước ta từ một nước đi sau, lần đầu tiên vươn lên thuộc nhóm nước đi đầu trong khu vực trong tiến trình chủ động hội nhập kinh tế quốc tế.
Đặc biệt, EVFTA là một hiệp định dự kiến có nhiều đóng góp tích cực cho tăng trưởng xuất khẩu cũng như quá trình đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu cho Việt Nam. Với EVFTA, ngay khi hiệp định có hiệu lực, 85,6% số mặt hàng, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được hưởng thuế 0%. Sau 7 năm, 99,2% số mặt hàng sẽ được hưởng thuế 0%, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Tuy nhiên, với những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới thì phạm vi không chỉ dừng ở các cam kết mở của thị trường hàng hóa. Hiệp định EVFTA là một hiệp định toàn diện, chất lượng cao, điều chỉnh rất nhiều vấn đề khác nhau; trong đó có vấn đề sở hữu trí tuệ. Đây là một nội dung mới chỉ xuất hiện trong một số ít FTA mà Việt Nam tham gia như Hiệp định EVFTA.
Vì vậy, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, trong xu thế hội nhập sâu rộng như hiện nay, hệ thống sở hữu trí tuệ mạnh là cơ sở, tiền đề để một quốc gia kiểm soát các hoạt động kinh doanh và bảo vệ thương hiệu.
Điều này giúp thu hút đầu tư của các công ty đa quốc gia, tăng cơ hội tiếp cận với các công nghệ tiên tiến, tạo môi trường, cũng như hành lang pháp lý vững chắc để các cá nhân, tổ chức yên tâm phát triển ý tưởng sáng tạo, đưa ra thị trường những sản phẩm chất lượng, có tính ứng dụng cao.
Với mức độ cam kết khá cao về lĩnh vực sở hữu trí tuệ, dự kiến Hiệp định EVFTA sẽ tạo ra những thách thức không nhỏ về sửa đổi pháp luật trong nước.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh nhận thức chung về xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn còn thấp trong khi Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng nên việc tăng cường phổ biến, nâng cao nhận thức của công chúng và doanh nghiệp về các cam kết của Hiệp định EVFTA trong lĩnh vực này là điều hết sức cần thiết.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, Hiệp định EVFTA được kỳ vọng là sẽ đáp ứng nhu cầu bảo hộ của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ. Do vậy, việc thi hành các nghĩa vụ theo Hiệp định sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, bao gồm cả các doanh nghiệp Việt Nam có thể xác lập và bảo vệ thành quả đầu tư cho hoạt động sáng tạo, từ sáng tạo đổi mới công nghệ, mẫu mã, bao bì đến nhãn hiệu sản phẩm và dịch vụ một cách dễ dàng và hiệu quả hơn.
Ngoài ra, Hiệp định EVFTA còn mang lại nhiều cơ hội tiếp cận thị trường các nước EU nhưng để khai thác được thị trường rộng lớn này, các doanh nghiệp cần nắm vững và đáp ứng các quy định về bảo hộ, khai thác, thực thi quyền sở hữu các tài sản trí tuệ và các quy định về hàng rào kỹ thuật trong thương mại của khu vực này.
Vì thế, các doanh nghiệp phải chú trọng nâng cao nhận thức về lĩnh vực sở hữu trí tuệ cũng như không ngừngđổi mới sáng tạo, cải thiện năng lực công nghệ nội tại và năng lực hấp thụ công nghệ mới, tiên tiến để nâng cao chất lượng sản phẩm của mình. Chỉ có như vậy, các doanh nghiệp mới có thể đứng vững khi bước chân ra biển lớn, tham gia cuộc chơi chung toàn cầu.
Bên cạnh đó, tại thị trường trong nước, xu hướng về tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ với những quy định về việc chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nghiêm minh hơn có thể khiến doanh nghiệp của Việt Nam nếu không nhận thức rõ nguy cơ, sẽ phải chịu gánh nặng đối với các thủ tục kiểm soát, nhất là khi bị rơi vào tranh chấp, kiện tụng.
Theo ông Trần Hữu Linh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, Hiệp định EVFTA là một FTA thế hệ mới, với những cam kết sâu hơn và bao trùm nhiều lĩnh vực; trong đó nâng cao việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ, là một trong những nội dung mà các quốc gia thành viên phải thực thi.
Hơn nữa, việc nhận diện những thách thức đối với việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ của Việt Nam là hết sức cần thiết, nhằm tránh những rủi ro trong dài hạn, cũng như có những điều chỉnh phù hợp.
Ông Trần Hữu Linh chia sẻ, tuy đã có nhiều nỗ lực từ phía các cơ quan thực thi quyền sở hữu trí tuệ nhưng thực tế cho thấy tình trạng xâm phạm quyền sỏ hữu trí tuệ ở nước ta vẫn đang diễn ra ngày càng phổ biến và phức tạp. Điều này đã làm nản lòng không ít nhà đầu tư và là một những điểm yếu, thách thức lớn nhất hiện nay.
Để cải thiện việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ, ông Trần Hữu Linh cho rằng, cần xây dựng một chiến lược quốc gia về sở hữu trí tuệ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Nâng cao năng lực chuyên môn về sở hữu trí tuệ và năng lực thi công vụ cho các cơ quan, lực lượng chức năng.
Bên cạnh đó, tăng cường hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan hành chính, xét xử và cơ quan chuyên môn thông qua hoạt động chia sẻ thông tin , phối hợp hành động; nâng cao hiệu quả tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật; tiếp tục tận dụng hiệu quả kinh nghiệm và sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế trong thực thi quyền sở hữu trí tuệ...
Dưới góc nhìn của doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Trưởng Ban Pháp chế Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam bày tỏ, các biện pháp kỹ thuật chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (TPM) mở rộng các hành vi sử dụng xâm phạm TPM, không chỉ áp dụng đối với việc sản xuất, nhập khẩu, phân phối, lắp ráp, bán, cho thuê..., mà còn áp dụng với việc tàng trữ với mục địch thương mại, cung cấp dịch vụ nhằm quảng bá, thúc đẩy.
Hay các biện pháp ảnh hưởng thông tin quản lý quyền (RMI) không chỉ bảo vệ thông tin đối với bản gốc, mà còn bảo vệ thông tin với bản sao, bản công bố ra công chúng.
Đáng chú ý, các cam kết của EVFTA cao hơn WTO ở khía cạnh tăng quyền của Tòa án trong quyết định các biện pháp tạm thời đối với không chỉ các chủ thể vi phạm, mà còn cả các chủ thể đang lưu giữ hàng hóa vi phạm, không chỉ bằng các biện pháp hiện tại mà có thể áp dụng các biện pháp khác như đóng băng tài khoản, thu giữ chứng cứ liên quan...
Bà Nguyễn Thu Trang nhấn mạnh, đối với nhóm các doanh nghiệp và chủ sở hữu quyền, các cam kết này không chỉ giúp gia tăng lợi ích kinh tế, tăng động lực sáng tạo mà còn góp phần tiết kiệm chi phí, tự tin trong đăng ký bảo vệ quyền.
Tuy nhiên đối với nhóm doanh nghiệp và các chủ thể sử dụng sản phẩm được bảo hội về sở hữu trí tuệ, muốn sử dụng sản phẩm được bảo hộ sẽ phải chi trả chi phí mua cao, giảm khả năng tiếp cận sản phẩm giá rẻ. Cùng với đó, rủi ro vi phạm, rủi ro chi phí do bị xử lý vi phạm tăng lên sẽ là yếu tố đặc biệt đối với các doanh nghiệp và chủ thể sử dụng sản phẩm được bảo hộ.