Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký của Hiệp hội Da – Giày – Túi xách Việt Nam (Lefaso): Kỳ vọng EVFTA sẽ duy trì mức tăng trưởng 10% cho những tháng cuối năm
Hiệp định EVFTA là một hiệp định rất quan trọng với ngành da giày của Việt Nam vì đây sẽ là cú huých giúp khôi phục lại nền sản xuất của ngành và giúp cho tăng trưởng xuất khẩu, bù đắp lại những thiệt hại do đại dịch COVID-19 gây ra từ đầu năm cho đến nay.
Theo đánh giá, 5 tháng đầu năm, xuất khẩu của ngành da giày bị sụt giảm tới hơn 10%, tháng 4 giảm 21% và tháng 5 giảm sâu 50%, chính vì vậy mà Hiệp định được thực thi càng sớm thì sẽ càng giúp giúp doanh nghiệp của chúng ta đẩy nhanh được xuất khẩu, đặc biệt vào thị trường châu Âu khi thị trường này chiếm gần 30% tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Chúng tôi kỳ vọng từ nay cho đến cuối năm, bù đắp của thị trường châu Âu sẽ giúp cho ngành tăng trưởng trở lại và duy trì mức tăng trưởng 10% cho những tháng cuối năm.
Tuy nhiên, chúng tôi nhìn nhận rõ với doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam, thì EVFTA là cơ hội lớn nhưng tiềm lực và nội lực của các doanh nghiệp hiện nay còn phải cải thiện nhiều thì mới tiếp cận được thị trường xuất khẩu có cam kết rất sâu rộng cũng như điều kiện gia nhập thị trường cao như châu Âu.
Về lâu dài, cần phát triển công nghiệp hỗ trợ vì với doanh nghiệp nhỏ và vừa, tiềm lực tài chính không đủ để tự chủ trong sản xuất nguyên phụ liệu tại Việt Nam, chính vì vậy chiến lược và khu công nghiệp phục vụ nguyên phụ liệu cho sản xuất là cần thiết. Đồng thời, doanh nghiệp cần tham gia chuỗi liên kết trong và ngoài nước, liên kết chặt chẽ hơn với nguồn cung trong và ngoài nước để có được những ứng phó kịp thời với biến động xảy ra.
Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương): EVFTA thúc đẩy thương mại, đầu tư và tạo chuỗi cung ứng mới
EVFTA là một Hiệp định toàn diện, chất lượng cao, cân bằng về lợi ích cho cả Việt Nam và EU, đồng thời phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Đối với xuất khẩu của Việt Nam, ngay khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Sau 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đối với khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%.
Như vậy, có thể nói gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình ngắn. Cho đến nay, đây là mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho ta trong các hiệp định FTA đã được ký kết. Lợi ích này đặc biệt có ý nghĩa khi EU liên tục là một trong hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của ta hiện nay.
Nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy nếu các cam kết về cắt giảm thuế quan và phi thuế quan được thực thi triệt để thì tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ được cải thiện trong cả ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. EVFTA dự kiến sẽ góp phần làm GDP tăng thêm ở mức bình quân từ 2,18 đến 3,25% (cho giai đoạn 5 năm đầu thực hiện), 4,57-5,30% (cho giai đoạn 5 năm tiếp theo) và 7,07-7,72% (cho giai đoạn 5 năm sau đó).
Về xuất khẩu, EVFTA dự kiến giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có Hiệp định. Xét về tổng thể, EVFTA sẽ góp phần giúp đa dạng hóa thị trường của ta để không bị phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường nào, từ đó giúp bảo đảm an ninh kinh tế của Việt Nam.
Cùng đó, các cam kết rộng và sâu về đầu tư của Hiệp định sẽ giúp Việt Nam tiếp tục đổi mới cơ cấu kinh tế, hoàn thiện thể chế và môi trường kinh doanh ở Việt Nam, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư EU kinh doanh tại Việt Nam. Điều này sẽ thúc đẩy dòng vốn FDI từ EU vào Việt Nam tăng trong thời gian tới.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI): EVFTA là cơ hội cho Việt Nam bật trở lại sau đại dịch
Cơ cấu kinh tế giữa Việt Nam và EU không phải là cơ cấu kinh tế cạnh tranh trực tiếp, đa phần các loại hàng hóa có thế mạnh của Việt Nam không phải là thế mạnh của EU và ngược lại. EU xuất khẩu dược phẩm, hóa chất, phương tiện vận tải, nguyên phụ liệu dệt may… đều là những sản phẩm Việt Nam rất cần. EVFTA giúp cho Việt Nam có cơ hội nhập những sản phẩm tốt từ EU với giá hợp lý hơn. Ngược lại, Việt Nam xuất khẩu dệt may, giày dép, các sản phẩm nông, lâm thủy sản, lương thực, thực phẩm…
Như vậy, xét trong mối tương quan đó, Việt Nam có nhiều cơ hội. Ngoài ra, EU là thị trường quan trọng đối với Việt Nam về mặt xuất khẩu và EU cũng là thị trường có sức mua lớn thứ 2 trên thế giới.
Đây là cơ hội tuyệt vời cho Việt Nam. Đặc biệt, hiện nay Việt Nam như “lò xo” chuẩn bị bật trở lại sau đại dịch, có lợi thế cạnh tranh nhất định so với các nước khác.
Ngoài ra, với hiệp định này, các doanh nghiệp Việt Nam còn có lợi thế khác như bằng việc mở cửa thị trường cho hàng hóa EU, Việt Nam có thể tiếp cận nguyên phụ liệu, máy móc, thiết bị với giá thấp, từ đó là cơ hội tiết kiệm chi phí sản xuất, tăng cơ hội cạnh tranh hàng hóa của Việt Nam. Bên cạnh đó, việc mở cửa dịch vụ, những dịch vụ sản xuất như logistics, hỗ trợ tài chính ngân hàng được suôn sẻ hơn, cạnh tranh hơn, giúp cho DN Việt tiết kiệm chi phí sản xuất, từ đó có thể có sức cạnh tranh hơn.
Tuy nhiên, EU được xác định là thị trường kỹ tính và không phải DN nào cũng tiếp cận được. Đối với DN chưa từng tiếp cận thị trường EU, đây là thách thức lớn. Để tiếp cận thị trường, giá chỉ là một câu chuyện mà còn cả vấn đề thương hiệu, mẫu mã, chất lượng và cách xúc tiến tiếp cận với khách hàng, tiếp cận được vào hệ thống phân phối. Tất cả câu chuyện này DN phải làm. EVFTA là cơ hội nhưng không phải là đũa thần kỳ giải quyết được.
Ông Nguyễn Kim Hùng, chủ tịch Kim Nam Group: Cần xây dựng dữ liệu thông tin cho doanh nghiệp
Để doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận cơ hội từ EVFTA và các hiệp định thương mại, cần phải có ba chương trình hành động, tập trung vào thị trường marketing và sale, nâng cao năng lực vốn và quản trị.
Chúng tôi mong muốn Bộ Công thương làm việc với các cơ quan liên quan, xây dựng bộ quản trị doanh nghiệp quốc gia, phân loại rõ doanh nghiệp ở cấp nào, đạt được điều kiện gì thì sẽ có ưu đãi gì cho FTA này. Hiện nay thương hiệu và sản phẩm của doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa được bảo hộ, nếu chúng ta có tiêu chuẩn của doanh nghiệp thì Bộ có thể bảo hộ được thương hiệu cho các doanh nghiệp đạt chuẩn, khi đó giá thành bán của sản phẩm cũng khác vì hiện thường bán qua thương lái chứ chưa bán được trực tiếp.
Đồng thời, mong muốn Bộ sẽ dành kinh phí xây dựng dữ liệu doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Doanh nghiệp trước khi muốn xuất khẩu vào thị trường nào sẽ tham khảo xem mình có thực hiện được không, khả năng ra sao. Hiện doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng khó tiếp cận với đội ngũ chuyên gia hỗ trợ, nên rất cần có các chuyên gia chia sẻ thông tin nâng cao năng lực doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh.