Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã nhấn mạnh như vậy khi đi kiểm tra việc đảm bảo điện và chúc Tết cán bộ công nhân viên EVN sáng ngày 30/1 (tức ngày 28 Tết).
Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, trong năm 2021 khi nhiều nguồn năng lượng tái tạo đưa vào vận hành, cùng với đó đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nhưng EVN luôn cung cấp điện an toàn, ổn định để phục vụ quá trình hồi phục và phát triển kinh tế, không để xảy ra chuỗi đứt gãy.
Trong thời gian tới, khi nền kinh tế phục hồi sau đại dịch COVID-19, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu EVN tiếp tục khẳng định vai trò chủ đạo trong việc cung cấp điện an toàn ổn định cho hệ thống điện Quốc gia, xây dựng sẵn các kịch bản tăng trưởng của hệ thống điện. Cùng với đó, điều hành hệ thống điện công khai, minh bạch.
Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết: Tiêu thụ điện vào dịp Tết sẽ giảm thấp, theo báo cáo của Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0), nhu cầu sử dụng điện dịp Tết khoảng 15.000 MW, thấp hơn rất nhiều so với các ngày thường. Vì vậy, việc giảm huy động các loại hình nguồn điện là bắt buộc, nên Bộ trưởng đề nghị các nhà máy phát điện cùng chia sẻ chung để EVN đảm bảo vận hành an toàn hệ thống điện Quốc gia.
Về đảm bảo điện dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần, qua kiểm tra thực tế và báo cáo từ các đơn vị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên ghi nhận và đánh giá cao EVN cùng các đơn vị thành viên đã xây dựng phương án, chuẩn bị nhân lực, vật tư thiết bị để đảm bảo cung cấp đủ điện, an toàn cho nhân dân cả nước vui Xuân, đón Tết. Bộ trưởng đề nghị các đơn vị thuộc EVN cũng không được phép chủ quan, cần ứng trực nghiêm túc bởi nhân dân cả nước đều rất cần điện.
Báo cáo trước Bộ trưởng, Chủ tịch HĐTV EVN Dương Quang Thành cho biết: Năm 2021, mặc dù gặp nhiều khó khăn thách thức, đặc biệt ảnh hưởng dịch COVID-19, nhưng nhờ sự lãnh đạo của Đảng, sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Bộ Công Thương, EVN đã thực hiện tốt nhiệm vụ kép vừa đảm bảo cung ứng điện cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước, vừa đảm bảo phòng chống dịch COVID-19.
Thống kê cho thấy, năm 2021 điện sản xuất và nhập khẩu toàn quốc đạt 256,7 tỷ kWh, tăng 3,9% so với năm 2020. Ngoài ra, sản lượng điện thương phẩm đạt 225,3 tỷ kWh, tăng 3,85% so với năm 2020. Đáng lưu ý, quy mô công suất nguồn điện Việt Nam đến cuối năm 2021 đạt 76.620 MW, vượt qua Indonesia và vươn lên đứng đầu khu vực Đông Nam Á.
Mặt khác, EVN còn tích cực triển khai đầu tư cấp điện nông thôn, miền núi, hải đảo. Riêng trong năm 2021 đã cấp điện cho gần 15.000 hộ dân chưa có điện tại địa bàn khó khăn.
Do vậy, tính đến cuối năm 2021, số xã có điện trên cả nước đạt 100% và số hộ dân được sử dụng điện đạt 99,65%; trong đó số hộ dân nông thôn có điện đạt 99,45%.
Việc cung ứng các dịch vụ điện tiếp tục được nâng cao về chất lượng và đa dạng hoá hình thức cung cấp, mở rộng các kênh chăm sóc khách hàng trên các nền tảng số tạo sự thuận lợi cho khách hàng.
Độ tin cậy cung cấp điện tiếp tục được nâng cao; trong đó, thời gian mất điện bình quân năm 2021 (chỉ số SAIDI) giảm còn 319 phút, giảm 11% so với năm 2020. Tổn thất điện năng năm 2021 giảm còn 6,27%, giảm 0,15% so với năm 2020.
Cùng với đó, EVN đã thực hiện đồng bộ chuyển đổi số trong tất cả các lĩnh vực hoạt động với mục tiêu đến cuối năm 2022, EVN cơ bản chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp số.
Trong năm 2021, EVN nhận được giải thưởng Doanh nghiệp chuyển đổi số xuất sắc Việt Nam, đây là năm thứ ba liên tiếp EVN nhận được giải thưởng này. Bên cạnh đó, EVN đã hỗ trợ giảm giá, giảm tiền điện cho khách hàng sử dụng điện trong năm 2021 với tổng giá trị khoảng 3.000 tỷ đồng.
Hơn nữa, EVN còn tích cực tham gia và ủng hộ các hoạt động an sinh xã hội; trong đó đóng góp ủng hộ các hoạt động phòng chống dịch COVID-19 cho ngành y tế và các địa phương tổng cộng 575 tỷ đồng...
Mới đây, Bộ Công Thương đã có Quyết định số 3063/QĐ-BCT ngày 31/12/2021 phê duyệt kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện năm 2022.
Theo đó nhu cầu điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống 275,5 tỷ kWh, tăng trưởng 7,3%. Ngoài ra, EVN cũng đã lập phương án cung ứng điện với kịch bản nhu cầu phụ tải tăng cao 11,5% để chuẩn bị tốt nhất cho kịch bản kinh tế phục hồi mạnh sau dịch COVID-19. Trên cơ sở tính toán các kịch bản cung cầu điện năm 2022, Tập đoàn nhận định hệ thống điện đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Riêng với việc đảm bảo cung cấp điện trong dịp Tết Nhâm Dần, lãnh đạo EVN cho biết, Tập đoàn đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc xây dựng phương án đảm bảo điện và đang tổ chức thực hiện với mục tiêu đảm bảo cung cấp điện an toàn, liên tục ở mức cao nhất.
Đặc biệt, Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia cũng đã lập phương thức huy động nguồn điện và thông báo cho từng nhà máy điện, nhất là các nhà máy năng lượng tái tạo về biểu đồ huy động công suất trong từng giờ để các đơn vị chủ động trong vận hành, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho hệ thống điện Quốc gia.