Chủ tịch FED Janet Yellen thông báo về quyết định của FED trong cuộc họp báo ở Washington, DC. ngày 17/9. Ảnh: AFP/TTXVN |
Trong một thông báo được đưa ra ngày 17/9 sau khi kết thúc hai ngày họp nhằm cân nhắc các quyết định tiếp theo về lãi suất, FED nêu rõ: “Những diễn biến tài chính và kinh tế toàn cầu gần đây có thể phần nào kiềm chế hoạt động kinh tế và nhiều khả năng làm tăng thêm sức ép theo chiều hướng đi xuống đối với tình trạng lạm phát trong ngắn hạn”.
Giải thích về quyết định không nâng lãi suất vào thời điểm này, Chủ tịch FED Janet Yellen cho biết triển vọng kinh tế toàn cầu là "không chắc chắn", đồng thời bày tỏ quan ngại về tăng trưởng kinh tế tại Trung Quốc và các nền kinh tế mới nổi khác dẫn đến tình trạng bất ổn của các thị trường tài chính.
Trước đó, FED đã bày tỏ ý định tăng lãi suất cơ bản, đồng thời áp dụng các biện pháp thắt chặt tiền tệ, song động thái này theo giới chuyên gia kinh tế, nếu được áp dụng có thể sẽ gây nên những biến động trên thị trường, khiến các nền kinh tế mới nổi cũng như các nước đang phát triển phải đối mặt với nhiều rủi ro. Tỷ lệ lãi suất cơ bản thấp gần như bằng 0% được FED áp dụng từ tháng 12/2008 tới nay. Những số liệu mới nhất cho thấy nền kinh tế Mỹ đã tăng trưởng đủ mạnh, lạm phát yếu và tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp 5,1% khiến giới chuyên gia dự đoán thời gian trì hoãn nâng tỷ lệ lãi suất cơ bản sẽ không kéo dài lâu.
Cuộc họp 2 ngày của Ủy ban Thị trường mở liên bang (FOMC) - cơ quan hoạch định chính sách của FED - diễn ra trong bối cảnh Ngân hàng Thế giới (WB) cảnh báo nếu FED thắt chặt chính sách tiền tệ, các nền kinh tế mới nổi sẽ phải đối mặt với hàng loạt rủi ro liên quan tới nguy cơ chảy một lượng lớn tiền vốn ra nước ngoài. Theo WB, các nước đang phát triển nên chuẩn bị sẵn phương án ứng phó với tình hình bấp bênh trên thị trường tài chính quốc tế. Còn Tổ chức Hợp tác kinh tế và phát triển (OECD) hối thúc FED hành động thận trọng và đưa ra các kế hoạch chính sách rõ ràng.
Phản ứng trước quyết định của FED, thị trường chứng khoán Mỹ kết thúc phiên giao dịch ngày 17/9 đã đồng loạt giảm điểm, đặc biệt là các cổ phiếu ngành ngân hàng. Chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 65,21 điểm (0,39%) xuống 16.674,74 điểm. Chỉ số S&P 500 đóng cửa mất 5,11 điểm (0.26%) còn 1.990,2 điểm. Trong khi chỉ số Nasdaq Composite cũng giảm 4,71 điểm (0,1%) xuống mức 4.893,95 điểm.