Đề nghị mới trên được đưa ra với mức lãi suất chỉ là 0,1% và là khoản mới nhất trong một loạt các khoản mua nợ và bơm tiền mặt, bao gồm cả khoản 1.500 tỷ USD hồi tuần trước để ngăn chặn sự sụt giảm kinh tế cũng như mất kiểm soát tại thị trường tài chính.
Trước đó, ngày 15/3, FED đã thông báo cắt giảm lãi suất lần thứ 2 trong vòng chưa đầy 2 tuần nhằm giúp thúc đẩy nền kinh tế Mỹ trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 lây lan rộng khắp nước này. Theo đó, FED đã giảm lãi suất xuống biên độ mục tiêu từ 0% đến 0,25%. Thông báo của FED cho hay tác động của dịch COVID-19 sẽ "ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế trong thời gian tới và gây rủi ro cho triển vọng kinh tế". Trước những diễn biến này, Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) - cơ quan hoạch định chính sách của FED, đã quyết định hạ thấp phạm vi mục tiêu.
Cùng ngày, một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết chính quyền của Tổng thống Donald Trump sẽ hối thúc quốc hội thông qua một gói kích cầu khẩn cấp trị giá 850 tỷ USD.
Quan chức nói trên nhấn mạnh rằng đây là một đề xuất về thuế, không liên quan đến kích cầu tiêu dùng như đề xuất của lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện Chuck Schumer. Theo tờ Washington Post, gói kích cầu này có thể bao gồm tổng số tiền thuế cắt giảm và khoảng 50 tỷ USD để hỗ trợ riêng cho ngành công nghiệp hàng không.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin dự kiến sẽ trình bày những nội dung chính của gói kích cầu này trước các thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa trong ngày 17/3. Phát biểu với các phóng viên, Bộ trưởng Mnuchin nêu rõ: "Chúng tôi sẽ tìm kiếm sự hỗ trợ đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, một số ngành công nghiệp bị tác động đặc biệt nghiêm trọng do dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Tôi đã đề cập đến ngành hàng không, khách sạn và một số ngành khác. Chúng tôi sẽ hướng tới một gói kích cầu tổng thể".
Trong khi đó, Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Schumer dự kiến sẽ trình bày một đề xuất triển khai sử dụng khoảng 750 tỷ USD để khắc phục hệ lụy kinh tế do COVID-19 gây ra.