Trong đơn kiện trình lên tòa án thủ đô Washington, FedEx lập luận rằng hãng không có trách nhiệm phải thi hành lệnh cấm xuất khẩu của chính phủ, cũng như không phải chịu trách nhiệm pháp lý đối với việc vận chuyển các sản phẩm mà hãng không biết.
Các quy định hạn chế xuất khẩu này đã buộc FedEx phải kiểm soát nội dung của hàng triệu gói bưu kiện mà hãng vận chuyển hàng ngày dù đó là "nhiệm vụ gần như bất khả thi" cả về mặt kinh tế và pháp lý.
Trong tuyên bố đưa ra sau đó, FedEx tuyên bố hãng là "công ty vận tải chứ không phải là cơ quan thực thi pháp luật". Hãng chỉ trích những quy định của Bộ Thương mại Mỹ đã tạo ra "gánh nặng vô lý" khiến FedEx phải trở thành cảnh sát bất đắc dĩ, phải chịu trách nhiệm giám sát hàng triệu kiện hàng được vận chuyển qua mạng lưới mỗi ngày nếu không sẽ bị phạt nặng.
Theo FedEx, các nhân viên của hãng không thể xác định "xuất xứ hay thành phần kỹ thuật của các nội dung bên trong của tất cả các kiện hàng mà hãng xử lý" cũng như không thể làm rõ liệu những bưu phẩm này có tuân thủ luật pháp Mỹ hay không. Về phần mình, Bộ Thương mại Mỹ cho biết chưa xem xét đơn khiếu nại của FedEx, song khẳng định những quy định hiện hành thể hiện trách nhiệm của cơ quan này trong việc bảo vệ an ninh quốc gia.
Động thái trên của FedEx được đưa ra trong bối cảnh công ty chuyển phát nhanh này đã vướng vào rắc rối khi một số bưu kiện của Tập đoàn công nghệ viễn thông Huawei (Trung Quốc) thay vì được chuyển phát đến các địa chỉ ở châu Á lại bị gửi tới Mỹ. Mới đây nhất, FedEx đã phải lên tiếng xin lỗi vì một kiện hàng là một điện thoại di động của Huawei đã không được chuyển tới Mỹ và giải thích rằng đây là "lỗi vận hành". Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã yêu cầu công ty này đưa ra lời giải thích thỏa đáng.
Hôm 14/6 vừa qua, Trung Quốc đã mở cuộc điều tra đối với FedEx với cáo buộc không vận chuyển các kiện hàng chuyển phát nhanh tới đúng các địa chỉ tại Trung Quốc. Cuộc điều tra được tiến hành trong bối cảnh căng thẳng thương mại leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc dẫn tới các biện pháp trả đũa thuế quan đối với hàng hóa của mỗi nước hồi tháng trước.
Chính phủ Mỹ cũng đã đưa Huawei vào danh sách đen, cấm giao dịch với các công ty Mỹ trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng an ninh mạng mà không được Chính phủ Mỹ cấp phép (mặc dù lệnh cấm được tạm hoãn thực thi đến giữa tháng 8 tới), động thái được cho là nhằm giảm thiểu những rắc rối gây ra cho khách hàng của Huawei trên thế giới.