Một nghiên cứu được phụ trương "Economic Outlook" của báo "Financial Times" công bố ngày 8/10 cho rằng trên thế giới đã hình thành nhóm G-7 mới gồm Brazil, Ấn Độ, Indonesia, Trung Quốc, Mexico, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Báo trên cho biết tổng GDP, tính theo Sức mua tương đương (PPS), của G-7 mới là 37,8 nghìn tỷ USD, trong khi GDP của G-7 hiện nay là 34,5 nghìn tỷ USD.
Trong bảng xếp hạng năm 2014, Trung Quốc xếp thứ nhất với GDP tính theo PPP là 17,6 nghìn tỷ USD, đẩy Mỹ xuống hàng thứ 2 với 17,4 nghìn tỷ. Nga trong bảng xếp hạng này đứng thứ 6, trên Pháp và Anh.
G-7 hiện gồm Anh, Đức, Italy, Canada, Mỹ, Pháp và Nhật Bản. Hội nghị thượng đỉnh nhóm G-7 năm 2014 diễn ra ở Brussels từ 4-5/6. Ban đầu hội nghị dự kiến được tiến hành theo khuôn khổ G-8, với sự tham gia của Nga và diễn ra ở Sochi bởi từ ngày 1/1/2014 chức chủ tịch luân phiên G-8 được chuyển giao cho Nga. Tuy nhiên tháng 3/2014 do các sự kiện tại Crimea, lãnh đạo nhóm G-7 đã tẩy chay hội nghị ở Sochi. |
Theo các chuyên gia nghiên cứu của "Financial Times", các số liệu trên cho thấy sự thay đổi mạnh mẽ trong cán cân sức mạnh trên thế giới. Tờ báo viết: "Nay trong số 20 nước đầu tiên của bảng xếp hạng, một nửa là các nền kinh tế mới nổi".
Nga cho rằng triển vọng hợp tác hứa hẹn nhất là với các quốc gia châu Á, trước tiên là Trung Quốc. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tuyên bố như vậy ngày 2/10 tại diễn đàn đầu tư "Nước Nga mời gọi". Tuy nhiên ông cũng khẳng định Nga không muốn giảm bớt quan hệ kinh tế với châu Âu. Ông Putin lưu ý tới tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ của các quốc gia châu Á, đặc biệt là Trung Quốc. Tổng thống Nga tin tưởng rằng tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc có thể được tận dụng để phát triển kinh tế các nước khác.
Tháng 7 năm nay, trong chuyến công du Mỹ Latinh, Tổng thống Putin đã tới Brazil. Trong cuộc thảo luận với Tổng thống nước chủ nhà Dilma Rousseff, ông Putin lưu ý rằng "Nga và Brazil thực sự có tiềm năng kinh tế rất to lớn".
Duy Trinh