Bên cạnh việc tạo thuận lợi cho thương mại hàng hóa thông qua cắt giảm thuế quan, hiệp định bao gồm cam kết của các bên về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, phát triển bền vững, thương mại điện tử, mua sắm chính phủ, cạnh tranh.
Trong một buổi phỏng vấn, ông Dương Hoàng Minh, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Liên bang Nga cho biết Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á – Âu (VN – EAEU FTA) được Thủ tướng Việt Nam và Thủ tướng các nước Liên minh Kinh tế Á – Âu (EAEU) và Chủ tịch Ủy ban Kinh tế Á – Âu ký kết ngày 29/5/2015 tại Kazakhstan, có hiệu lực từ ngày 5/10/2016. Đây là FTA đầu tiên mà EAEU Kinh tế Á – Âu (EAEU) ký với một nước thứ ba và cũng là hiệp định đầu tiên mà Việt Nam ký với các đối tác truyền thống thuộc Liên Xô cũ.
VN – EAEU FTA là một hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, toàn diện, bao trùm tất cả các lĩnh vực hợp tác kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và EAEU. Bên cạnh việc tạo thuận lợi cho thương mại hàng hóa thông qua cắt giảm thuế quan, hiệp định bao gồm cam kết của các bên về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, phát triển bền vững, thương mại điện tử, mua sắm chính phủ, cạnh tranh. Theo cam kết trong hiệp định, EAEU dành cho Việt Nam nhiều thuận lợi cho các nhóm hàng nước ta có thế mạnh như nông sản, thủy sản và hàng công nghiệp như dệt may, da giày, đồ gỗ... Cùng với việc xóa bỏ thuế quan, hai bên sẽ triển khai tích cực chương về thú ý và kiểm dịch động thực vật (SPS); thúc đẩy hợp tác, triển khai các sáng kiến thuận lợi hóa thương mại và hỗ trợ kỹ thuật và thiết lập cơ chế tham vấn hiệu quả giữa hai bên.
FTA giữa Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU) và Việt Nam sẽ mở ra cơ hội mới cho doanh nghiệp trong nước. Ảnh: An Hiếu/TTXVN |
Phía Việt Nam cam kết mở cửa thị trường có lộ trình cho EAEU đối với một số sản phẩm chăn nuôi, một số mặt hàng công nghiệp gồm máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải... Nhìn chung, các mặt hàng này không cạnh tranh với hàng hóa Việt Nam mà góp phần đa dạng hóa thêm thị trường tiêu dùng trong nước. Về tổng thể, hai bên sẽ dành cho nhau mức mở cửa thị trường hàng hóa chiếm vào khoảng 90% số dòng thuế, tương đương vào khoảng trên 90% kim ngạch thương mại song phương.
Ngoài ra, FTA kể trên cũng quy định các biện pháp nhằm tăng tính minh bạch của các hoạt động quản lý nhà nước trong thương mại, tăng cường hợp tác giữa các cơ quan quản lý nhà nước của hai bên về hải quan, quản lý chất lượng, kiểm dịch động thực vật và vệ sinh an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, hiệp định cũng có một chương quy định về thương mại dịch vụ, đầu tư và di chuyển thể nhân.
Theo ông Dương Hoàng Minh, hiệp định tạo ra nhiều cơ hội thuận lợi cho xuất khẩu cũng như hợp tác kinh tế thương mại cho các doanh nghiệp Việt Nam. VN - EAEU FTA có hiệu lực tạo ra động lực mới cho xuất khẩu của Việt Nam, nhất trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế toàn cầu. Khu vực Á - Âu là một thị trường lớn và đầy tiềm năng, với trên 180 triệu dân, trữ lượng tài nguyên thiên nhiên phong phú, với tổng GDP đạt trên 2.000 tỷ USD, kim ngạch ngoại thương đạt khoảng 1.000 tỷ USD.
Tuy nhiên, để được hưởng lợi từ hiệp định, hàng xuất khẩu của Việt Nam cần phải vượt qua một số thách thức không nhỏ làm hạn chế xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EAEU. Một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến Việt Nam hạn chế xuất khẩu sang thị trường này là phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam chưa được làm quen với thói quen tiêu dùng, thị hiếu về chất lượng, bao bì, mẫu mã sản phẩm của người dân Nga và các nước trong EAEU, chưa có điều kiện tìm hiểu nhiều về các yêu cầu về luật pháp, hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm khá đặc thù của thị trường này. Bên cạnh đó, thông tin, tài liệu về quy định của phía bạn chủ yếu bằng tiếng Nga khiến việc tìm hiểu thị trường cũng gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, khi thực thi sức ép cạnh tranh của các doanh nghiệp EAEU đối với các doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ tăng. Chẳng hạn, dự kiến các dự án đầu tư từ Nga, Belarus (Bê-la-rút) và Kazakhstan (Ca-dắc-xtan) có thể tăng mạnh tại Việt Nam, chủ yếu trong các lĩnh vực mà EAEU có thế mạnh như năng lượng, chế tạo máy, hóa chất,... Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội hợp tác, vì đây cũng là các ngành mà Việt Nam cần thu hút đầu tư nước ngoài, trong đó có các nước EAEU.
Để nắm bắt thời cơ từ hiệp định, ông Dương Hoàng Minh cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý các điểm sau: Thứ nhất, cần nghiên cứu kỹ nội dung hiệp định liên quan tới mặt hàng, ngành hàng cụ thể mà doanh nghiệp kinh doanh nhằm tận dụng tốt những lợi thế mà hiệp định mang lại, đặc biệt là các quy định về chứng nhận xuất xứ hàng hóa để được hưởng lợi trong việc cắt giảm thuế quan.
Thứ hai, tăng cường tham gia các chương trình giao thương, xúc tiến thương mại, các hội chợ, triển lãm tại các nước EAEU để tìm kiếm đối tác, giới thiệu hàng hóa, sản phẩm của doanh nghiệp tới khách hàng; có kế hoạch nâng cao khả năng cạnh tranh để phù hợp với lộ trình cắt giảm thuế quan đối với hàng hóa của doanh nghiệp; khảo sát kỹ lưỡng các tuyến đường, phương tiện vận tải cũng như kho tàng, bến bãi để đảm bảo có chi phí cạnh tranh thấp nhất. Hiện nay, các doanh nghiệp xuất khẩu sang EAEU đang gặp khó khăn trong khâu thanh toán. Do đó, các doanh nghiệp cần có quan hệ chặt chẽ với các ngân hàng Việt Nam, tìm hiểu kỹ những dự án hợp tác song phương trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, đặc biệt là Dự án thanh toán bằng đồng nội tệ do Ngân hàng Đầu tư Phát triển Việt Nam và Ngân hàng Ngoại thương Nga phối hợp thực hiện, để giải quyết những khó khăn trong khâu thanh toán hiện nay giữa doanh nghiệp hai bên.
Nga và EAEU nói chung là thị trường đặc thù nói tiếng Nga có yêu cầu cao về vệ sinh, an toàn thực phẩm. Để khai thác thành công thị trường này, các nhà xuất khẩu Việt Nam phải đảm trình độ kỹ thuật phù hợp, đầu tư nâng cao, ổn định chất lượng sản phẩm; đào tạo, sử dụng cán bộ biết tiếng Nga; quan tâm tới thiết kế, sử dụng bao bì, nhãn mác có tiếng Nga để phục vụ nhu cầu của thị trường.