FTA Việt Nam-EU sẽ thúc đẩy thương mại Việt-Pháp

Theo ông Nguyễn Cảnh Cường, Tham tán thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, trao đổi thương mại Việt-Pháp trong thời gian tới sẽ được hưởng lợi từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) nhờ việc mở cửa thị trường, cắt giảm hầu hết các dòng thuế quan.

Về trao đổi thương mại hai chiều Việt Nam-Pháp, ông Nguyễn Cảnh Cường cho biết Việt Nam có thặng dư thương mại với Pháp liên tục trong 5 năm liền. Kim ngạch xuất khẩu bình quân của Việt Nam sang Pháp đạt khoảng 2-2,5 tỷ euro/năm với mức tăng trưởng 5-7%/năm trong khi xuất khẩu của Pháp sang Việt Nam vì nhiều lý do, chủ yếu là từ phía các doanh nghiệp Pháp, chỉ đạt khoảng 1 tỷ euro.

Trong EU, có một thời gian dài Pháp là đối tác thương mại đứng thứ hai, sau Đức. Gần đây, Pháp và Anh thay nhau giữ vị trí đối tác thương mại thứ hai của Việt Nam tại EU. Các sản phẩm của Việt Nam có thế mạnh khi xuất khẩu sang Pháp là giày dép, dệt may, đồ gỗ, sản phẩm thủ công mỹ nghệ, thủy sản. Hiện nay một sản phẩm có trị giá rất cao xuất khẩu sang Pháp là điện thoại di động (ĐTDĐ), điển hình là ĐTDĐ Samsung sản xuất tại Việt Nam. Tuy mới xuất hiện khoảng 3 năm trở lại đây, nhưng xuất khẩu ĐTDĐ có doanh số cao, đạt mức tăng 100%/năm, có năm đạt hơn 200%. Tổng trị giá hàng ĐTDĐ Samsung sang Pháp năm 2014 lên đến 1 tỷ USD.

Tham tán thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp Nguyễn Cảnh Cường.


Bên cạnh đó, các sản phẩm truyền thống của Việt Nam có tiềm lực và thế mạnh xuất khẩu sang Pháp vẫn có thể tăng thị phần nhiều hơn nữa. Hiện tại, hầu hết các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam chỉ chiếm 1-2% thị phần tại thị trường Pháp, trừ hàng giày dép chiếm khoảng 10%. Như vậy, nếu EVFTA được ký kết và thực thi trong tương lai gần thì điều này sẽ tạo điều kiện tiếp cận thị trường thuận lợi hơn giúp các sản phẩm của Việt Nam gia tăng thị phần tại thị trường Pháp.

Ông Nguyễn Cảnh Cường cũng cho biết hiện nay, có rất nhiều sản phẩm của Việt Nam có chất lượng tốt nhưng phải cạnh tranh với các sản phẩm tương tự của một số nước được hưởng chính sách thương mại ưu đãi của EU. Thí dụ, các sản phẩm trong ngành dệt may nhập khẩu từ Campuchia, Sri Lanka, Bangladesh, hay từ những nước trong danh sách những nước kém phát triển nhất (LDC) của Liên Hợp Quốc, được miễn thuế và miễn quota. Một thí dụ khác: Việt Nam là cường quốc đứng thứ hai về xuất khẩu gạo, nhưng gạo của Việt Nam rất khó vào thị trường Pháp do không cạnh tranh được với gạo Thái Lan về giá cả. Nhờ Hiệp định nông sản mà trước đây Thái Lan đã ký với EU nên gạo từ Thái Lan vào thị trường EU thuận lợi hơn do được hưởng một số hạn ngạch thuế quan có thuế suất rất thấp. Tương tự, gạo từ Mỹ, từ Guam cũng được hưởng ưu đãi nhờ Hiệp định nông sản đã ký với EU.

Chính vì vậy, EVFTA đang được rất nhiều doanh nghiệp kỳ vọng do nhiều mức thuế của EU đánh trên các sản phẩm Việt Nam sẽ giảm về 0%. Trong điều kiện đó các sản phẩm Việt Nam sẽ cạnh tranh tốt hơn tại thị trường Pháp và thị trường EU và nhờ vậy kim ngạch xuất khẩu hàng Việt Nam tại các thị trường này sẽ gia tăng một cách mạnh mẽ.

Ông Nguyễn Cảnh Cường cho rằng thủy sản và các mặt hàng nông sản là hai nhóm sản phẩm mà Việt Nam có thế mạnh do Pháp có dung lượng thị trường rất lớn. Cùng với việc cải thiện quy trình sản xuất và kiểm soát chất lượng sản phẩm, thủy sản Việt Nam càng ngày càng đáp ứng được yêu cầu khắt khe vừa của người tiêu dùng và vừa của các cơ quan quản lý nhập khẩu thủy sản châu Âu, cho nên triển vọng về gia tăng kim ngạch và gia tăng thị phần thủy sản tại Pháp là rất khả quan.

Nông sản cũng có những chuyển biến rõ nét về phương thức sản xuất và quy trình quản lý chất lượng. Nhiều công ty ở Việt Nam cũng như các chính quyền địa phương ngày càng nhận thức được xu thế và yêu cầu của nông sản sạch vì thế đã áp dụng các quy trình sản xuất đáp ứng yêu cầu này như không sử dụng các loại hóa chất cấm, không sử dụng thuốc trừ sâu hay phân bón có ảnh hưởng không tốt đối với môi trường, đối với sức khỏe của nông dân và của người tiêu dùng. Những điều chỉnh về phương thức sản xuất và chương trình sản xuất nông nghiệp sạch đang được nhân rộng điển hình nhằm đáp ứng đòi hỏi của thị trường nông sản cao cấp ở Pháp và EU.

EVFTA khi được ký kết và thực thi, đưa mức thuế của EU đánh vào nông sản Việt Nam giảm xuống một cách rõ rệt trong một thời gian ngắn, sẽ là một điều kiện rất thuận lợi để nông sản Việt Nam có thể gia tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu cũng như gia tăng thị phần tại thị trường Pháp.

Ông cũng giải thích những thách thức đặt ra đối với các sản phẩm của Việt Nam khi tiếp cận thị trường Pháp và châu Âu sau khi Hiệp định được ký kết đồng thời cho biết những thông tin cập nhật nhất về mức độ cam kết giữa Việt Nam và EU theo đó 99% các dòng thuế mà EU đánh trên các sản phẩm Việt Nam sẽ giảm về 0% trong vòng 7 năm, trong đó 65% giảm ngay, số còn lại giảm dần trong vòng 7 năm; còn ở chiều ngược lại thì Việt Nam sẽ giảm thuế hầu hết cho các sản phẩm của EU với thời gian là 10 năm. Như vậy, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đối diện với sức cạnh tranh của một số lượng lớn các sản phẩm có nguồn gốc EU nhập khẩu vào Việt Nam và các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải nỗ lực tìm giải pháp để cạnh tranh lại nếu như không muốn bị thua ngay trên sân nhà.

Tuy nhiên, đây không phải là một thách thức lớn do cơ cấu kinh tế của Việt Nam và EU mang tính bổ sung nhiều hơn là mang tính cạnh tranh trực tiếp. Theo ông, Việt Nam sẽ được lợi khi các sản phẩm EU xuất sang Việt Nam với mức thuế thấp; các sản phẩm đó sẽ cạnh tranh với các sản phẩm nhập khẩu từ những nguồn khác, ví dụ từ các nước châu Á, trong đó nhiều nước đã ký Hiệp định thương mại tự do với Việt Nam với mức thuế quan rất ưu đãi, nhiều sản phẩm đã được hưởng thuế suất bằng 0%. Chính vì vậy, thêm nguồn sản phẩm từ EU trên thị trường Việt Nam sẽ khiến mặt bằng giá các sản phẩm nhập khẩu vào Việt Nam giảm xuống, chất lượng tăng lên. Cụ thể, thịt bò Pháp hay táo Pháp sắp có mặt tại Việt Nam sẽ khiến người tiêu dùng được hưởng lợi.

Về tác động của EVFTA đối với cơ cấu nền kinh tế Việt Nam, ông cho biết: Xét về tổng thể, khi Việt Nam tham gia Hiệp định thương mại tự do có quy mô lớn như EVFTA thì cơ cấu kinh tế của Việt Nam sẽ phải điều chỉnh theo hướng tập trung vào sản xuất những sản phẩm có lợi thế, còn những sản phẩm có chi phí sản xuất cao sẽ giảm dần, thậm chí là bỏ hẳn. Chính vì vậy, EVFTA là một cơ hội để thúc đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu nền kinh tế của Việt Nam theo hướng hiệu quả hơn.

Tái cơ cấu nền kinh tế một chủ trương lớn và đúng đắn của chính phủ, nhưng quá trình này thời gian qua diễn ra chậm vì chưa có một áp lực đủ mạnh để buộc doanh nghiệp và người sản xuất phải tái cơ cấu. EVFTA sẽ mở cửa cho những nguồn hàng nhập khẩu có khả năng cạnh tranh hơn, có chất lượng tốt hơn, có giá cả hợp lý hơn khiến các doanh nghiệp sản xuất trong nước cảm thấy rằng trong bối cảnh mới không thể chậm trễ được nữa, phải điều chỉnh và ngừng sản xuất những sản phẩm mà mình không còn lợi thế cạnh tranh, thậm chí phải thay đổi sản phẩm để có thể tồn tại và phát triển.

Chính vì vậy, có thể nói EVFTA sẽ tạo thêm sức ép để cùng với chủ trương tái cơ cấu nền kinh tế của chính phủ, sẽ thúc đẩy tốc độ tái cơ cấu kinh tế, tái cơ cấu sản phẩm của từng ngành, từng doanh nghiệp theo một chiều hướng được vận hành bởi yêu cầu của thị trường: đó là hiệu quả, đáp ứng đòi hỏi của người tiêu dùng và cạnh tranh được không phải chỉ với quy mô của thị trường trong nước và khu vực mà còn phải cạnh tranh được với cả các doanh nghiệp nước ngoài.

Ngoài tác động trực tiếp có thể định lượng được về mặt thương mại thì EVFTA còn khuyến khích mạnh mẽ luồng đầu tư từ Pháp vào Việt Nam. Việc các nhà máy sản xuất tại Việt Nam sau đó xuất khẩu sản phẩm sang thị trường Pháp và EU được ưu đãi thuế quan sẽ mang lại nhiều lợi nhuận cho các doanh nghiệp so với việc sản xuất các sản phẩm đó tại Pháp và EU. Đây là một tác động gián tiếp nhưng rất to lớn của EVFTA đối với đầu tư trực tiếp từ Pháp nói riêng và từ các nước EU nói chung vào Việt Nam trong tương lai gần.
 
Bích Hà (P/v TTXVN tại Pháp)
Báo Anh bình luận về FTA giữa EU và Việt Nam
Báo Anh bình luận về FTA giữa EU và Việt Nam

Các nhà đàm phán EU lo ngại Trung Quốc sẽ "tranh thủ" hiệp định này để đưa hàng dệt may giá rẻ tràn ngập thị trường châu Âu thông qua "cửa ngõ" Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN