Khẳng định thương hiệu
Theo Trạm trưởng Trạm Thú y Yên Thế, ông Nguyễn Huy Khánh, gà đồi Yên Thế được người dân nuôi tự phát từ những năm 1990. Khoảng 5 - 7 năm nay, người tiêu dùng có xu hướng chọn “thịt gà sạch” như gà thả vườn, gà quê, bởi có hương vị thơm, ngậy, ngọt, chất lượng thịt khác hẳn so với gà nuôi công nghiệp.
Nhờ xu hướng tiêu dùng ngày càng cao, nên gà đồi Yên Thế những năm gần đây đắt hàng, thương lái các tỉnh đổ về thu mua tấp nập. Nghề nuôi gà đồi của Yên Thế bắt đầu phát triển mạnh từ giai đoạn 2008 - 2009. Hiện, Yên Thế đã trở thành vùng chăn nuôi gà thả vườn quy mô lớn của cả nước, với khoảng 1.200 hộ chăn nuôi, quy mô nuôi từ 1.000 con gà/trang trại trở lên. Hàng năm, sản lượng gà thương phẩm của Yên Thế xuất ra thị trường từ 12 - 15 triệu con, giá trị sản xuất ước đạt hơn 1.000 tỷ đồng/năm. Thương hiệu “Gà đồi Yên Thế” đã được cấp chứng nhận xuất xứ từ 2002, đến nay gà đồi Yên Thế đã được cả nước biết đến và tin dùng.
Trang trại chăn nuôi gà đồi, gà thả vườn quy trình sản xuất sạch của gia đình anh Nguyễn Văn Tụ, thôn Hồng Lạc, xã Đồng Tâm, huyện Yên Thế (Bắc Giang). |
Ông Lương Đức Kiên cho biết thêm: Thách thức của nghề nuôi gà đồi ở Yên Thế hiện nay là chưa tự sản xuất được con giống chất lượng tốt. Gà giống trên địa bàn chỉ sản xuất đáp ứng 40%, còn lại phải nhập từ các huyện, tỉnh khác về nuôi. Do đó, chất lượng chưa được đồng đều, gà Yên Thế dễ bị lẫn với các loại gà của các địa phương khác. Đây cũng là lý do khiến gà Yên Thế bị “mang tiếng” chất lượng không đi kèm với thương hiệu. Để khắc phục bất cập này, tỉnh đã ký kết với Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) thực hiện dự án phát triển giống gà gốc Yên Thế, nhằm nghiên cứu tạo giống gà đặc trưng của địa phương, có dáng vẻ khác biệt, giúp người tiêu dùng dễ dàng nhận ra.
Cung cấp sản phẩm an toàn
Theo ông Lương Đức Kiên, dự án trên cũng nhằm mục đích tạo ra sản phẩm chăn nuôi an toàn, không dịch bệnh. Thực hiện dự án, Chi cục Chăn nuôi và Thú y của tỉnh đã triển khai xây dựng nhiều cơ sở chăn nuôi gà an toàn trên địa bàn huyện Yên Thế từ đầu năm 2016, từng bước tạo ra mô hình mẫu, cung ứng gà Yên Thế chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Theo đó, dự án xây dựng 10 cơ sở chăn nuôi gà bố mẹ (quy mô 500 con/cơ sở) và 5 cơ sở chăn nuôi gà thịt (quy mô 1.000 con/cơ sở), tại các xã: Đồng Tâm, Tiến Thắng, Tam Tiến, Đồng Kỳ và Phồn Xương...
Chia sẻ thêm về quy trình chăn nuôi của các cơ sở trong dự án, ông Nguyễn Huy Khánh cho biết, đơn vị đã phối hợp với lực lượng thú y các xã, lựa chọn các hộ tham gia dự án với tiêu chí như: Trang trại chăn nuôi phải có quy mô hơn 1.000 con/đàn; chủ hộ phải có kinh nghiệm nhiều năm chăn nuôi, biết áp dụng kỹ thuật tiên tiến cũng như quy trình chăn nuôi gà an toàn sinh học... Trong quá trình triển khai, các chuyên gia của dự án sẽ áp dụng quy trình quản lý, xét nghiệm, chẩn đoán và phòng trị các dịch bệnh trên gà theo quy định của Cục Thú y, Cục Chăn nuôi... Khi ra thị trường, gà nuôi tại các cơ sở này được Cục Thú y cấp giấy chứng nhận thực phẩm an toàn.
Ở góc độ quản lý, ông Nguyễn Văn Phương, Trưởng phòng Quản lý Thương mại, Sở Công Thương Bắc Giang nhận định: Chất lượng gà Yên Thế đã có thương hiệu, nhưng vẫn chưa đưa được vào các siêu thị ở Hà Nội với số lượng lớn. “Tỉnh Bắc Giang đã ký kết với Hà Nội về tạo điều kiện tiêu thụ sản phẩm gà đồi Yên Thế, nhưng việc đưa sản phẩm vào Hà Nội đang gặp rất nhiều khó khăn.
Ví dụ vận chuyển gà về Hà Nội với số lượng lớn phải chở bằng xe tải, nhưng xe tải vào Hà Nội thì phải đi đêm. Đi đêm thì cước phí cao, dẫn đến giá gà bị đẩy lên giá cao... Trong khi đó, mỗi siêu thị cũng chỉ nhập số lượng ít mỗi lần. Khi đưa vào kênh siêu thị, thì quy định của siêu thị phải có giấy kiểm dịch gốc, không chấp nhận giấy photo. Mỗi siêu thị chỉ nhập 10 - 15 con gà thịt/lần nhập và đòi số gà này phải là giấy gốc thì không thể đáp ứng nổi… Cho nên vấn đề đưa gà Yên Thế vào thị trường Hà Nội vẫn nan giải với chúng tôi…”, ông Phương chia sẻ.