Cụ thể, tại quyết định phê duyệt chủ trương dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp luồng hàng hải vào các bến cảng khu vực Nam Nghi Sơn, Thanh Hóa của Bộ Giao thông vận tải nhấn mạnh, việc đầu tư cải tạo, nâng cấp luồng hàng hải Nam Nghi Sơn sẽ tăng cường thu hút đầu tư, tận dụng hết công suất hạ tầng cảng biển được đầu tư, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa và khu vực.
Theo quyết định, dự án sẽ có quy mô đầu tư với chiều dài tuyến luồng 5,2 km từ phao số 0 đến vũng quay tàu dùng chung (khu vực ngã 3 trước khu bến tổng hợp số 1 và số 2 với tuyến luồng vào khu bến nhiệt điện); bề rộng luồng (1 làn) 150 m; chiều sâu chạy tàu 14,0m và cao độ đáy luồng -12,5 m (Hải đồ).
Cùng với đó, vũng quay tàu dùng chung sẽ có đường kính 450 m, cao độ đáy vũng quay tàu -12,5 m phục vụ tàu tổng hợp, container, hàng rời trọng tải đến 50.000 DWT đầy tải hoặc lớn hơn nếu đáp ứng điều kiện an toàn hàng hải.
Dự án cũng sẽ thực hiện điều chỉnh biên luồng phải cách 100m (60 m hiện hữu và 40 m dịch chuyển) đối với tuyến mép tuyến bến từ bến số 1 đến bến số 5 khu bến tổng hợp số 1.
Dự kiến, khối lượng nạo vét của dự án cải tạo, nâng cấp luồng hàng hải vào các bến khu vực Nam Nghi Sơn khoảng 3,5 triệu m3 với tổng mức đầu tư sơ bộ dự kiến hơn 567 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước trong kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn năm 2021 - 2025. Thời gian dự kiến hoàn thành là năm 2024.
Đối với dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp luồng hàng hải Quy Nhơn, tại quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án này, Bộ Giao thông vận tải đánh giá, đây là dự án có mục tiêu cải tạo luồng, vũng quay tàu luồng hàng hải Quy Nhơn cho tàu trọng tải đến 50.000 DWT (đầy tải) hoặc lớn hơn (đảm bảo điều kiện an toàn hàng hải), đáp ứng nhu cầu thông qua hàng hóa của khu vực cảng Quy Nhơn (Bình Định).
Theo đó, dự án sẽ cải tạo, nâng cấp tuyến luồng có chiều dài 7.000 m từ phao số 0 đến vũng quay tàu bến số 1; bề rộng luồng 140 m; chiều sâu chạy tàu 14,23 m; cao độ đáy luồng -13,0 m (Hải đồ); đường kính vũng quay tàu dùng chung 400 m phục vụ tàu trọng tải đến 50.000 DWT (đầy tải) hoặc lớn hơn (đáp ứng điều kiện an toàn hàng hải) với khối lượng nạo vét dự kiến khoảng 3.050.000 m3.
Tổng vốn đầu tư dự án dự kiến là 421 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước trong kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn năm 2021 - 2025. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2021 đến năm 2024.
Theo Bộ Giao thông vận tải, cả hai dự án này Bộ đã giao Ban Quản lý dự án hàng hải thực hiện các nội dung tại báo cáo thẩm định và tổ chức triển khai các bước tiếp theo đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật về xây dựng, đấu thầu và các quy định liên quan bảo đảm chất lượng, tiến độ, hiệu quả sử dụng nguồn vốn dự án.