Nhiều địa phương đã hoàn thành kế hoạch lấy nước như: Thái Bình, Nam Định, Hà Nam đã đạt 100%; tiếp đến là Ninh Bình đạt 99%, Phú Thọ 99%, Hải Phòng 94%, Hải Dương 93%, Bắc Ninh 91%, Vĩnh Phúc 87%, Hưng Yên 87% và Hà Nội 75%.
Tính đến 15 giờ ngày 7/2, mực nước trung bình trong ngày tại Trạm Thủy văn Hà Nội đạt 1,71 m, cao nhất lúc 12 giờ đạt 1,98 m.
Với mực nước trong ngày 7/2, các công trình thủy lợi đã được sửa chữa, nâng cấp hạ thấp cao trình lấy nước và các trạm dã chiến tiếp tục đủ điều kiện vận hành. Các địa phương đang tổ chức vận hành tối đa công trình thủy lợi để lấy nước.
Riêng các công trình cố định chưa được đầu tư, sửa chữa nâng cấp như trạm bơm Trung Hà, Phù Sa (Hà Nội); các cống Cẩm Đình, Liên Mạc (Hà Nội), Long Tửu (Bắc Ninh) không đủ điều kiện vận hành lấy nước (tình trạng này đã thường xuyên diễn ra từ vài năm gần đây).
Trước đó, ngày 6/2, trên cơ sở tiến độ lấy nước, kết quả kiểm tra thực tế của lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Hà Nội, Vĩnh Phúc và trao đổi với lãnh đạo UBND, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố, Tổng cục Thủy lợi đã có văn bản số 133/TCTL-QLCT điều chỉnh đợt 2 lấy nước phục vụ gieo cấy vụ Đông Xuân năm 2022-2023, khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ.
Theo đó, giảm lượng xả từ các hồ chứa thủy điện xuống mức duy trì mực nước tại Trạm Thủy văn Sơn Tây thấp nhất 1,8 m trở lên từ 0 giờ ngày 7/2 đến 24 giờ ngày 8/2/2023.
Do vậy, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã thực hiện vận hành linh hoạt các hồ chứa thủy điện để điều chỉnh giảm mực nước hạ du phù hợp với văn bản trên.
Tổng cục Thủy lợi đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị quản lý khai thác vận hành tối đa các phương tiện lấy nước để đưa nước lên ruộng, phấn đấu hoàn thành kế hoạch lấy nước trong đợt 2, đồng thời tích trữ vào hệ thống kênh mương, các vùng trũng, ao, hồ.