Thương vụ Việt Nam tại Algeria (kiêm nhiệm Senegal) cho biết, năm 2019, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Senegal tăng mạnh so với năm 2018, tuy nhiên, giá gạo sụt giảm. Cụ thể, xuất khẩu gạo Senegal đạt 96.665 tấn, kim ngạch đạt 32.620.273 USD, tăng 13,1 lần về lượng và gấp 10,2 lần về giá trị. Tại thị trường này, gạo Việt Nam phải cạnh tranh với gạo của Ấn Độ, Pakistan, Thái Lan, Trung Quốc, Brazil, Argentina, Uruguay, Hoa Kỳ, Malaysia và Campuchia.
Do luôn bị hạn hán đe dọa, nên sản xuất lương thực của Senegal chỉ đáp ứng được khoảng 20% nhu cầu trong nước. Mỗi năm, nước này vẫn phải nhập khẩu từ 700.000 - 800.000 tấn gạo, trong đó hơn 90% là gạo tấm.
Mặc dù Chính phủ Senegal đã nỗ lực triển khai chương trình phát triển lúa nước, nhằm tiến tới tự túc lương thực vào năm 2017, nhưng mục tiêu này đến nay chưa thực hiện được. Do chi phí sản xuất lúa cao, trên thị trường nội địa, giá gạo tấm nhập khẩu rẻ hơn 2 lần so với gạo địa phương.
Dự báo năm 2020, nhu cầu nhập khẩu gạo của Senegal nói riêng và châu Phi nói chung vẫn ở mức cao do tháng hai vừa qua, đại dịch châu chấu bùng phát ở Đông Phi phá hoại mùa màng, thêm vào đó là dịch COVID-19 dẫn đến tâm lý người dân tăng cường tích trữ lương thực, thực phẩm, trong đó có gạo. Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, nhu cầu gạo của châu Phi năm 2020 ước khoảng 15,7 triệu tấn, riêng Senegal có thể phải nhập khẩu 1,3 triệu tấn.
Vì vậy, theo Thương vụ Việt Nam tại Algeria, các điều kiện trên đang tạo nhiều cơ hội cho gạo Việt Nam thúc đẩy xuất khẩu và cạnh tranh với các nước đang xuất khẩu gạo vào thị trường Senegal.