Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị "Về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" đã đặt ra mục tiêu cho các cơ sở lọc dầu là phải đáp ứng tối thiểu 70% nhu cầu trong nước; bảo đảm mức dự trữ chiến lược xăng dầu đạt tối thiểu 90 ngày nhập ròng… Theo đó, một trong những giải pháp có chính sách ưu tiên là đầu tư phát triển hạ tầng năng lượng bền vững; chú trọng xây dựng cơ sở hạ tầng xuất, nhập khẩu năng lượng, kết nối khu vực.
Theo ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, người bình thường có thể nhịn ăn 1 tuần, 2 tuần. Nhưng nếu đất nước "nhịn" xăng dầu 1 ngày thì sẽ tê liệt toàn bộ. Hiện nay, theo thống kê chưa đầy đủ, Việt Nam có khoảng 5 triệu xe ô tô; 42,8 triệu xe máy; khoảng 857.000 doanh nghiệp; chưa tính loại xe công trình, các loại phương tiện khác sử dụng xăng dầu… hệ thống tàu biển, các phương tiện thủy sử dụng xăng rất dầu lớn. Lượng tiêu tốn xăng dầu hằng năm vô cùng lớn, thể hiện rõ tầm quan trọng của loại nhiên liệu này.
"Nếu chúng ta không có được tầm nhìn chiến lược, không có được tính toán chiến lược về khâu sản xuất lẫn dự trữ thì sẽ có lúc không đối phó kịp", ông Lưu Bình Nhưỡng nói.
Thông tin tại tọa đàm cho hay, năm 2022, nhà nước chi 9 tỷ USD để nhập khẩu, đảm bảo nguồn cung trong nước khoảng 70%. Rõ ràng, để đảm bảo cho kinh tế - xã hội, sinh hoạt thường xuyên của đất nước, chưa nói đến đạt mục tiêu kinh tế ở tầm cao hơn nữa đòi hỏi lượng xăng dầu cần được sản xuất, sử dụng, dự trữ rất lớn.
Ví dụ như Mỹ dự trữ hàng năm 434 triệu thùng dầu, tương đương 60 tỷ lít, kho dự trữ lớn nhất thế giới này năm ngoái bị giảm 7 triệu thùng. Đứng sau là Trung Quốc, năm 2022 mua của Nga 86,25 triệu tấn; nhập vào 11,5 tỷ m3 khí đốt. Kho của Ấn Độ thông thường dự trữ 5 triệu thùng, tương đương 400 triệu tấn; năm 2021 Ấn Độ đã mở kho 5 triệu tấn dầu xuất ra để bình ổn giá cho cả thế giới.
Ông Lưu Bình Nhưỡng cho hay, Việt Nam đặt mục tiêu phát triển mạnh mẽ và là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng dự kiến cao. Như vậy ngoài điện thì lượng nguyên liệu xăng dầu vẫn là chủ yếu. Điều này đòi hỏi Việt Nam cần có tầm nhìn chiến lược, tính toán chiến lược về khâu sản xuất lẫn dự trữ.
Ông Nguyễn Hoàng Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính - Bộ Công Thương cũng cho hay, tăng trưởng kinh tế thường gắn liền với gia tăng nhu cầu tiêu thụ năng lượng, đặc biệt là "mạch máu" xăng dầu là nguồn năng lượng chủ yếu, là mặt hàng chiến lược, có vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân bởi tham gia vào hầu hết các lĩnh vực. Vì thế công tác xây dựng quy hoạch hạ tầng dự trữ luôn được các bộ ngành coi trọng.
Dự trữ xăng dầu được xem như những "đơn vị máu" để có thể sử dụng trong trường hợp khẩn cấp. Tuy vậy, việc đứt gãy cục bộ đã diễn ra, khiến nhiều cửa hàng xăng dầu tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh dù có hoạt động nhưng không có xăng để bán. Điều này không chỉ phản ánh công tác dự trữ thiếu sự chủ động mà còn phản ánh hạ tầng dự trữ từ phía doanh nghiệp.
Nêu những khó khăn, ông Nguyễn Đức Hạnh, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty CP dầu khí Sơn Hải cho hay, như bản thân công ty, năm ngoái loay hoay hơn nửa năm làm kho dự trữ xăng dầu 35.000 – 40.000 m3 với tổng mức đầu tư 500 tỷ đồng. Nhưng khi cân đối tài chính, cân đối dự trữ xăng dầu để vay vốn thì vẫn khó được ngân hàng chấp nhận.
"Nhà nước nên sớm hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật. Có thể ban hành Luật Dự trữ nguyên liệu xăng dầu như Nhật Bản ban hành 2 luật dự trữ và luật giám sát chất lượng", ông Nguyễn Đức Hạnh nói.
Để các doanh nghiệp đầu tư bài bản hệ thống hạ tầng dự trữ rất khó bởi đầu tư xây dựng được hệ thống dự trữ xăng dầu cần nguồn lực tài chính rất lớn. Ông Nguyễn Đức Hạnh cũng nêu ý kiến: "Nhà nước nên đứng ra làm việc này bởi nguồn vốn lớn doanh nghiệp rất khó vay được vốn. Đồng thời, việc dự trữ phải độc lập giữa các doanh nghiệp".
Để tạo cho doanh nghiệp đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư xây dựng hạ tầng dự trữ xăng dầu góp phần đảm bảo nguồn cung, phía ngân hàng cần có những chính sách cụ thể để giúp doanh nghiệp như: nới trần vay. Chẳng hạn đối với dự án đầu tư vay phải tính đến tài sản hình thành trong tương lai bởi xây xong kho dự trữ xăng dầu không có đánh giá thì các doanh nghiệp không còn vốn để tiếp tục làm. Đồng thời, có chính sách ưu đãi về lãi suất; chia sẻ và hỗ trợ về điều kiện thanh khoản. Đây được xem là điều kiện tiên quyết để các doanh nghiệp xăng dầu có thể duy trì được hoạt động và tồn tại, ông Nguyễn Đức Hạnh kiến nghị.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho hay, về căn cứ pháp lý, để triển khai việc đảm bảo các nguồn cung, chúng ta phải rà soát lại các nghị quyết, các luật cũng như các quy định pháp lý khác. Nếu cần thiết, cần phải có những cơ chế chính sách để tạo điều kiện cho việc nhập khẩu rồi lưu trữ, phân phối xăng dầu và đáp ứng được nhu cầu phát triển của quốc gia. Ngoài ra, câu chuyện về hỗ trợ tài chính, tín dụng,...với doanh nghiệp cũng cần được tính đến.
Ông Nguyễn Hoàng Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính - Bộ Công Thương cho biết, trong quy hoạch Bộ Công Thương trình để thẩm định, cũng đưa ra 6 nhóm giải pháp để thu hút vốn đầu tư triển khai quy hoạch; trong đó, có đề xuất sử dụng vốn ngân sách nhà nước để đầu tư kho dự trữ quốc gia; đẩy mạnh thu hút đầu tư nướ ngoài và của các thành phần kinh tế khác. Các doanh nghiệp trước đây đã tham gia thì phải tái cấu trúc lại hệ thống để tiếp tục đầu tư.
Ngoài ra, cần đa dạng hóa các hình thức vay vốn; thực hiện đẩy mạnh liên doanh, liên kết để thu hút vốn đầu tư về hạ tầng dự trữ...