Clip người nông dân Phạm Văn Nhiêu "gặt" thành công với nuôi cá "sông trong ao":
Với nhiều ưu điểm vượt trội so với phương pháp truyền thống, mô hình nuôi cá “sông trong ao” của Văn Nhiêu nhiều năm liền mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần cải thiện môi trường.
Trên diện tích rộng khoảng 13 ha, anh Nhiêu đổ bờ ao kiên cố bằng bê tông. Vị trí trung tâm anh cải tạo khu ruộng trũng thành các ao nuôi thả cá, tiến hành ngăn và xây 2 bể xi măng giữa lòng ao dùng để nuôi cá lăng và cá điêu hồng.
Để mô hình phát huy hiệu quả, Nhiêu tiến hành lắp đặt hệ thống sục khí và máy tự động hút chất thải của cá dẫn ra ngoài, bảo đảm điều kiện sống tối ưu cho cá. Thường xuyên đẩy chất thải của cá xuống bể lắng cho máy hút dọn mỗi ngày, bảo đảm môi trường nước ao nuôi luôn sạch. Sau khi cho cá ăn, toàn bộ chất thải của cá sẽ theo dòng nước chảy trong bể và đọng lại ở bể tĩnh phía sau.
Các máy này liên tục hoạt động 24/7 tạo thành trục sông có tường bê tông ngăn nước. Trong sông có sóng và dòng chảy tuần hoàn, nước luân chuyển khắp ao bảo đảm điều kiện sống tối ưu cho cá.
Những chiếc máy bơm tạo dòng chảy tuần hoàn giúp cá trong bể hình thành thói quen vận động và bơi ngược dòng liên tục. Như vậy, môi trường nước ao nuôi luôn giữ được trong, sạch, cá sinh trưởng nhanh và ổn định. Chỉ sau 5 tháng nuôi thử nghiệm, mô hình đã thành công ngoài mong đợi. Với 2 “sông” đầu tiên, anh thu hơn 80 tấn cá, lãi gần 1 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, ở mỗi bể nuôi, anh Nhiêu còn thiết kế một hệ thống cho ăn cá tự động. Toàn bộ chất thải của cá theo dòng nước chảy trong bể và đọng lại ở bể tĩnh phía sau. Tại đây, một hệ thống hút chất thải sẽ thu gom và loại những chất thải sang một bể chứa.
Anh Nhiêu tâm sự: “Nếu như ao thông thường thì một năm mới rút nước một lần. Nhưng bằng phương pháp hiện tại, cá được thay nước mỗi ngày. Nhờ vậy, môi trường nước ao nuôi luôn giữ được trong, sạch, cá sinh trưởng nhanh và ổn định.
Từ hình thức nuôi cá này, năm 2022, anh Nhiêu thu hoạch hơn 120 tấn cá qua hai vụ, cho thu nhập hơn chục tỷ đồng, cao hơn khoảng 1,5 - 2 lần so với nuôi thông thường, giải quyết việc làm thường xuyên cho 10 lao động địa phương với mức thu nhập 6 - 10 triệu đồng/tháng.
Trở lại với câu chuyện khởi nghiệp với nhiều thất bại trong việc nuôi và cả buôn bán thủy sản, anh Phạm Văn Nhiêu cho biết, phải đến năm 2005 anh mới gặt hái được những thành công bước đầu sau khi tham khảo các mô hình nuôi cá tra, tôm càng xanh, cá chim trắng... tại các tỉnh Nam Bộ.
Anh cho biết: “Có được thành công bước đầu nhưng phải đến khi đấu thầu 13ha ngoài bãi nuôi cá giống và tôm thẻ chân trắng. Lúc bấy giờ, nhiều người cho rằng, tôi khá mạo hiểm khi đầu tư phát triển kinh tế trên khu đất mà bao lâu nay có cho cũng không ai dám làm, khi ấy tôi mới quyết tâm ứng dụng công nghệ vào nuôi trồng.”
Anh Nhiêu cho biết, sở dĩ nuôi cá theo công nghệ “sông trong ao” cho hiệu quả kinh tế cao là do ưu điểm của mô hình là nuôi được cá với mật độ cao hơn nhiều so với phương pháp truyền thống; tỷ lệ dịch bệnh thấp, cá tăng trọng nhanh. Tất cả đều nhờ vào việc nước được lưu chuyển liên tục, tạo thành dòng chảy.
Ngoài ra, chu kỳ chăn nuôi ngắn, sản phẩm luôn bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, sau thu hoạch cá cho phép thả con giống mới ngay mà không cần phải xử lý đáy ao... Bên cạnh đó, nuôi cá theo cách này, nước bể nuôi luôn sạch, thịt cá chắc, dai và không có mùi tanh nên được khách hàng ưa chuộng, tiêu thụ thuận lợi.
Theo anh Nhiêu, để thực hiện mô hình này, người nuôi phải đáp ứng được các yêu cầu, điều kiện khắt khe về diện tích mặt nước, am hiểu vận hành máy móc, kỹ thuật chăm sóc... Kinh phí đầu tư khá lớn với mức từ 200 - 250 triệu đồng/bể nuôi... Bù lại, mô hình cho hiệu quả kinh tế cao. Tới nay, mô hình nuôi cá theo công nghệ “sông trong ao” của anh Nhiêu gần đây được nhiều người nuôi thủy sản ở trong và ngoài huyện đến tham quan, học tập kinh nghiệm. Anh cũng sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cho mọi người để cùng nhau phát triển kinh tế.
Định hướng về chiến lược phát triển trong thời gian tới, Nhiêu bộc bạch: “Tôi đang tiếp tục đấu thầu thêm 3ha ở vùng bãi xã Tiên Minh, huyện Tiên Lãng và 100ha thuộc huyện An Lão (TP Hải Phòng) để mở rộng quy mô nuôi cá theo mô hình “sông trong ao” và nuôi cá tra. Song song với đó, tôi tiếp tục học hỏi, ứng dụng khoa học công nghệ, tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, đó là hướng nuôi cá tra theo chuẩn VietGAP. Trong tương lai, tôi kỳ vọng sẽ xây dựng nhà máy chế biến cá tra đầu tiên tại huyện Tiên Lãng, từ đó tạo ra chuỗi giá trị sản phẩm giúp nâng cao chất lượng sản phẩm đạt chuẩn sạch và an toàn”.
Công nghệ mới cùng với sự quyết tâm, sẵn sàng thay đổi của người nông dân đang góp phần giúp những người nông dân sớm tìm ra cách làm giàu từ chính đồng đất, ao, vườn quê hương.