Theo Tổng cục Thống kê (Bộ KH&ĐT), tăng trưởng GDP 9 tháng năm 2006 ước tăng 5,93% so với cùng kỳ năm trước. Xét theo diễn biến GDP từ đầu năm, mức tăng quý sau duy trì vững đà tăng quý sau cao hơn quý trước (quý I tăng 5,48%, quý II tăng 5,78% và quý III tăng 6,40%), cùng với những tín hiệu tích cực về số lượng doanh nghiệp đăng ký với, sự tăng trưởng mạnh của ngành chế biến, chế tạo, các chuyên gia Tổng cục Thống kê cho rằng, mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm 6,7% hoàn toàn có khả năng đạt được.
Theo ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê, mặc dù ngành khai khoáng giảm mạnh (giảm 4,1%, khiến chỉ GDP chung giảm 0,9%) so với cùng kỳ năm trước, nhưng bù lại ngành công nghiệp chế biến, chế tạo lại tăng 10,4%, đóng góp 7,4% vào mức tăng chung
Sản xuất dây điện tại Công ty TNHH sản xuất, thương mại và dịch vụ Tiến Thịnh. Ảnh: An Hiếu - TTXVN
Làm rõ hơn vấn đề, ông Hà Quang Tuyến, Vụ trưởng Vụ hệ thống Tài khoản quốc gia, với diễn biến tình hình kinh tế 9 tháng qua, dù tình hình hạn hán, xâm nhập mặn và vụ ô nhiễm biển 4 tỉnh miền Trung, nhưng khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản đang “ấm” lên, đã lấy lại đà tăng trưởng, trong khi đầu năm lĩnh vực này tăng trưởng âm. Biểu hiện nữa là nhập khẩu hàng hóa trong 9 tháng đầu năm tăng 9% so với cùng kỳ. Đặc thù kinh tế Việt Nam là nhập siêu, nhưng bản chất của việc nhập siêu là nhập khẩu chủ yếu nguyên liệu, máy móc, thiết bị cho sản xuất, kinh doanh, hàng hóa nhập khẩu phục vụ tiêu dùng chỉ chiếm 10%. Với cơ cấu hàng hóa nhập khẩu tăng này sẽ tác động tích cực vào tăng trưởng GDP quý IV. Một tín hiệu đáng chú ý nữa là 9 tháng qua, cả nước có 81.451 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, cạnh đó là 20.510 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 59,6% so với cùng kỳ 2015. Điều này cho thấy, các giải pháp của Chính phủ trong việc hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp phát triển đã phát huy hiệu quả, giúp doanh nghiệp tìm thấy hướng đi, cơ hội phát triển mới.
Ba động lực hỗ trợ tăng trưởngCác chuyên gia của Tổng Cục Thống kê cho rằng, qua kết quả tình hình kinh tế 9 tháng minh phản ánh tín hiệu tích cực, nếu trước đây tăng trưởng kinh tế chỉ dựa vào khai tác tài nguyên, thì nay đã dựa vào sản xuất. Đây chính là bài học và kinh nghiệm để Việt Nam tập trung phát triển các ngành sản xuất, kinh doanh dịch vụ mà không phải dựa vào tài nguyên. Bài học thứ hai là dù trong hoàn cảnh khó khăn, nhưng nếu có sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Chính phủ bằng các chỉ thị, nghị quyết và lực lượng doanh nghiệp vào cuộc tích cực sẽ tạo ra tăng trưởng. "Lực lượng doanh nghiệp đang đóng góp tỉ trọng tới 60% vào mức tăng trưởng chung của GDP. “Với đà tăng GDP của 9 tháng qua, nhất là quý III tăng khá, kỳ vọng quý IV sẽ tăng trưởng bứt phá so hơn so với các quý trước. Với mức tăng GDP của quý III là 6,40%, và sự phục hồi của các ngành sản xuất, mức tăng trưởng GDP cả năm 6,7% vẫn có thể đạt được", ông Hà Quang Tuyến nói.
Thi công chế tạo chân đế giàn khoan. Ảnh: Huy Hùng – TTXVN
Đánh giá tình hình kinh tế quý cuối năm, ông Nguyễn Bích Lâm cho rằng, trong thời gian tới, động lực tăng trưởng của nền kinh tế sẽ tập trung chủ yếu vào 3 nhóm chính. Thứ nhất là cộng đồng doanh nghiệp, sự phát triển về số lượng doanh nghiệp đăng ký và tỉ lệ đi vào sản xuất cho thấy môi trường kinh doanh đang tạo ra điều kiện tốt để doanh nghiệp phát triển. Động lực thứ hai là tái cơ cấu nền kinh tế, đặc biệt là tài cơ cấu khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản của vùng đồng bằng sông Cửu Long để ứng phó lại điều kiện khô hạn và xâm nhập mặn đang và sẽ diễn ra trong thời gian tới. Việc tái cơ cấu lại sản xuất của khu vực này rất quan trọng, vì đối với kinh tế Việt Nam, nông nghiệp vẫn là cứu cánh của nền kinh tế. Thứ ba là nhu cầu tiêu dùng trong nước, trước đây nền kinh tế xác định xuất khẩu là động lực tăng trưởng, nhưng dân số Việt Nam đã lên tới 92,7 triệu, nhu cầu tiêu dùng nội địa rất lớn, đây là động lực lớn sẽ góp phần tăng trưởng GDP.