Ngoài ra, những lo ngại về khả năng nguồn cung dầu từ Iran sẽ giảm từ tháng 11/2018 do các biện pháp trừng phạt của Mỹ cũng hỗ trợ giá “vàng đen” phiên này.
Tại Seoul vào lúc 13 giờ 53 phút giờ Việt Nam, giá dầu Brent giao kỳ hạn tăng 0,27 USD (hay 0,37%) so với cuối phiên giao dịch trước lên 72,9 USD/thùng. Trong khi giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao kỳ hạn cũng tăng 0,27 USD, tương đương 0,41%, lên 66,11 USD/thùng.
Theo dữ liệu của Viện Dầu mỏ Mỹ (API), dự trữ dầu của Mỹ giảm 5,2 triệu thùng xuống 405,6 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 17/8, so với dự đoán giảm 1,5 triệu thùng của giới phân tích. Dữ liệu chính thức từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) dự kiến được công bố vào ngày 22/8.
Theo ANZ Bank, các nhà đầu tư tin rằng dự trữ dầu Mỹ sẽ giảm tiếp trong tuần này.
Các dấu hiệu về sản lượng dầu ở Mỹ tăng chậm lại và đồng USD yếu đi cũng hỗ trợ giá dầu, theo chuyên gia hàng hóa Kim Kwang-rae thuộc Samsung Futures tại Seoul.
Chỉ số đồng USD so với giỏ sáu đồng tiền chủ chốt khác trong phiên này giảm xuống 95,211 sau khi giảm 0,7% trong phiên trước, do các bình luận của Tổng thống Mỹ Donald Trump về chính sách tiền tệ. Đồng USD yếu đi khiến dầu được định giá bằng đồng tiền này trở nên đỡ đắt đỏ đối với người mua nắm giữ các đồng tiền khác.
Hiện thị trường vẫn quan ngại về việc sẽ có bao nhiêu thùng dầu bị rút khỏi các thị trường toàn cầu khi Mỹ tái áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Iran, bất chấp các lo ngại rằng nhu cầu tiêu thụ có thể yếu đi giữa bối cảnh Mỹ và Trung Quốc - hai nền kinh tế lớn nhất thế giới - đang tranh chấp nhau về thương mại. Iran là nhà sản xuất dầu lớn thứ ba của Tổ chức Các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC).