Mặc dù đã thoát khỏi đà giảm sâu 2% từ phiên trước đó, song triển vọng ảm đạm của nhu cầu tiêu thụ dầu thô vẫn kiềm chế biên độ tăng của giá dầu.
Kết thúc phiên này, tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ (WTI) tăng 45 xu Mỹ, lên 65,46 USD/thùng. Trong khi đó, tại thị trường London, giá dầu Brent Biển Bắc cũng tiến 67 xu Mỹ, lên 71,43 USD/thùng.
Trước đó, vào đầu phiên, giá dầu WTI dao động quanh ngưỡng trung bình 200 ngày qua là 65,18 USD/thùng. Đây là ngưỡng kỹ thuật quan trọng, bởi nếu lùi dưới mức này, giá dầu có xu hướng tiếp tục đi xuống.
Giá dầu thế giới giảm mạnh trong phiên 15/8, khi báo cáo hàng tuần về dự trữ dầu thô của Mỹ làm dấy lên quan ngại về triển vọng tiêu thụ nhiên liệu yếu kém. Ngoài ra, giá “vàng đen” còn chịu áp lực giảm do hoạt động bán tháo các mặt hàng kim loại như đồng. Diễn biến quan hệ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, cũng như cuộc khủng hoảng tài chính tại Thổ Nhĩ Kỳ cũng tác động tới các thị trường toàn cầu gồm cổ phiếu, trái phiếu và nguyên liệu thô.
Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ dầu tại châu Á cũng cho thấy một số dấu hiệu chững lại do các cuộc tranh chấp thương mại và đồng USD mạnh. Ngân hàng Commerzbank nhận định, giữa lúc mùa du lịch Hè đang vào giai đoạn cuối, lượng tiêu thụ nhiên liệu có thể giảm dần từ hiện tại, sau khi đạt “đỉnh” vào thời gian trước đó.
Nhân tố duy nhất có thể hỗ trợ thị trường dầu mỏ trong thời gian tới chỉ có thể là lệnh cấm vận của Mỹ đối với hoạt động xuất khẩu dầu của Iran, bắt đầu có hiệu lực từ tháng 11/2018.