Chốt phiên trên sàn giao dịch New York (Mỹ), giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 8/2016 giảm 1,55 USD xuống 48,33 USD/thùng. Trên sàn giao dịch London, giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ hạn giảm 93 cent xuống 49, USD/thùng.
Theo các nhà phân tích, những lo ngại về cuộc đình công trong ngành dầu khí Na Uy đang dần lắng xuống và những dự báo về sản lượng dầu tăng ở Nigeria là hai yếu tố chính tác động lên thị trường dầu mỏ. Ngoài ra, giá dầu giảm còn là do đồng USD mạnh lên sau khi Thống đốc Ngân hàng trung ương Anh Mark Carney (Mắc Ca-ni) để ngỏ khả năng ngân hàng này sẽ đưa ra các biện pháp kích thích tiền tệ vào mùa Hè này sau khi cử tri Anh lựa chọn rời Liên minh châu Âu (EU) trong cuộc trưng cầu ý dân hôm 23/6 vừa qua.
* Cùng ngày, thị trường vàng thế giới cũng chứng kiến giá kim loại quý này quay đầu sụt giảm trong bối cảnh thị trường dần bình ổn trở lại sau “cú sốc” Brexit.
Chốt phiên trên sàn giao dịch COMEX (Mỹ), giá vàng giao tháng 8/2016 giảm 6,3 USD (0,47%) xuống 1.320,60 USD/ounce.
Tuy vậy các chuyên gia nhận định giá vàng vẫn vững trên đà ghi nhận mức tăng/tháng mạnh nhất kể từ tháng 2 năm nay sau kết quả gây sốc từ cuộc trưng cầu dân ý tại Anh. Theo ước tính, giá kim loại quý này tăng khoảng 8,7% trong tháng 6 vừa qua và tăng khoảng 24,4% trong nửa đầu năm nay.
* Trái ngược với diễn biến trên thị trường vàng và dầu mỏ, thị trường chứng khoán Mỹ lại chứng kiến các mã cổ phiếu tăng điểm phiên thứ 3 liên tiếp khi những lo ngại về việc Brexit tác động đến kinh tế Mỹ đang giảm dần.
Chốt phiên giao dịch ngày 30/6, chỉ số công nghiệp Dow Jones và chỉ số Nasdaq Composite đều tăng 1,33% lên lần lượt 17.929,99 điểm và 4.842,67 điểm, trong khi chỉ số S&P 500 tăng 1,36%, lên 2.098,86 điểm.