Việc giá xăng dầu tăng mạnh vừa qua đã tác động lên giá thành dịch vụ hàng hóa. Những mặt hàng liên quan trực tiếp đến xăng dầu và một số loại rau củ, trái cây đã bắt đầu “chạy đua” theo giá xăng. Các doanh nghiệp sản xuất sử dụng nhiên liệu dầu cho biết cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi chi phí sản xuất đội lên khá cao.
Theo các doanh nghiệp, giá xăng tăng 2.100 đồng/lít và dầu DO tăng 1.000 đồng/lít đã tác động mạnh lên chi phí đầu vào của ngành vận chuyển. Ông Thái Văn Chung, tổng thư ký Hiệp hội Vận tải hàng hóa Tp..HCM, cho biết đã có doanh nghiệp vận tải tăng giá cước. Hiện hiệp hội khuyến cáo doanh nghiệp chỉ tăng đúng mức tăng của giá xăng dầu để bù đắp chi phí giá thành. Theo các doanh nghiệp, chi phí mua xăng dầu hiện đang chiếm khoảng 40-50% giá cước, vì vậy với mức tăng của giá xăng dầu như trên, cước sẽ tăng 3-4%.
Giá xăng dầu tăng cao đã tác động mạnh lên chi phí đầu vào của ngành vận chuyển. Ảnh: Thanh Phàn - TTXVN |
Tuy nhiên, do trước đó đã có một số phụ tùng, vật tư và chi phí nhân công tăng nên đa số doanh nghiệp cho biết sẽ điều chỉnh giá cước lên 5%. Công ty vận tải Hợp Thành Công (Tp.HCM) cho biết đã gửi công văn cho các chủ hàng đề nghị tăng giá cước dịch vụ lên thêm ít nhất 5%.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH dịch vụ vận tải Anh Tuấn, cho biết vừa điều chỉnh giá cước. Theo đó, với các xe 8 tấn trở lên chạy từ cảng về kho của doanh nghiệp, hoặc từ kho ra cảng trong khu vực Tp..HCM sẽ phải tăng khoảng 200.000 đồng/chuyến. Còn với chặng đường dài, xe dưới 5 tấn chạy ra Hà Nội tăng thêm khoảng 1 triệu đồng/chuyến, ra Đà Nẵng tăng 500.000 đồng/chuyến... Ông Tuấn cho rằng việc tăng cước chắc chắn sẽ vấp phải phản ứng của một số chủ hàng, nhưng công ty sẽ phải thuyết phục chủ hàng đồng ý vì đây là việc làm bất khả kháng.
Anh Toàn - một chủ xe chở dưa hấu từ Trà Vinh lên Tp.HCM, cho biết giá vận chuyển một xe dưa từ Trà Vinh về chợ Hóc Môn vào khoảng 350.000 đồng/chuyến bao gồm tất cả các loại thuế, phí cầu đường, sau khi biết tin tăng giá xăng, xe của anh đã tăng thêm 50.000 đồng/chuyến để bù giá xăng dầu. Khảo sát tại chợ này trưa 8-3, hàng loạt chủ xe cho biết đã bắt đầu tăng giá vận chuyển lên thêm từ 50.000-100.000 đồng/xe tùy tuyến đường.
Đại lý vận chuyển Long Thảo (chợ nông sản Tam Bình, Q.Thủ Đức) cũng cho biết giá vận chuyển trái cây, rau củ từ Đà Lạt về hiện ở mức 600.000 đồng/tấn. Đối với các xe vận chuyển trái cây có tải trọng lớn thì nhà xe mới tăng nhẹ từ 100.000-200.000 đồng/xe. Hàng loạt mặt hàng trái cây, nông sản tại các chợ cũng bắt đầu tăng theo. Ghi nhận ngay tại chợ Hóc Môn, bắp cải ngày thường có giá 4.000 đồng/kg, cải thảo 5.000 đồng/kg nay đều đã tăng thêm 1.000 đồng/kg. Một chủ vựa dưa hấu cho biết, giá cước vận chuyển đều tăng nên buộc phải tăng giá bán.
Ông Nguyễn Quang Trung, Tổng giám đốc ximăng Fico, cho rằng các doanh nghiệp sản xuất khối công nghiệp nặng như ximăng, sắt, thép cũng sẽ bị tác động rất lớn bởi đợt điều chỉnh giá xăng lần này. Hiện ngành xi măng phụ thuộc khá lớn vào chi phí vận chuyển và dầu để chạy máy nghiền cho các trạm nghiền, nên giá dầu và xăng tăng bao nhiêu thì mức tăng đó cũng tương ứng với khoản chi phí mà doanh nghiệp phải bù thêm. Ông Trung cho biết, nếu tính các yếu tố đầu vào đang tác động vào mặt hàng này thì chi phí cho mỗi tấn clinker sản xuất ra buộc phải tăng 30.000-35.000 đồng so với trước.
Ông Trà Văn Bé - chủ tàu cá tại xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền (Bà Rịa - Vũng Tàu), cho biết: giá dầu tăng trong thời điểm này khiến ngư dân đã khó càng thêm khó. Với cặp ghe đi biển một tháng, tổng chi phí mỗi chuyến đi gồm tiền dầu, tiền công nhân, đá lạnh, lương thực, lưới... lên tới cả tỉ đồng nhưng tiền thu không có gì đảm bảo. Với giá dầu tăng lên thì chỉ riêng tiền chi mua 24.000-25.000 lít dầu đã thêm khoảng 50 triệu đồng/cặp ghe.
TTXVN/Tin Tức