Vừa thu hoạch hơn 800 trái dừa, bán với giá 30.000 đồng/chục (12 trái), sau khi trừ chi phí nhân công thu hoạch, bà Nguyễn Thị Thắm, xã Châu Bình, huyện Giồng Trôm (Bến Tre) thu được gần 2 triệu đồng. Với thu nhập hiện tại, bà Thắm lo lắng, nếu tình trạng kéo dài thêm nữa kinh tế người dân gặp nhiều khó khăn. Bà Thắm chia sẻ, với hy vọng vào mùa nghịch vụ giá dừa khô nguyên liệu sẽ tăng mạnh sau tết nguyên đán. Tuy nhiên sau tết, giá dừa vẫn đạt mức thấp, lợi nhuận không có. Sau khi bà Thắm bán dừa với giá 30.000 đồng/chục, vài ngày sau giá dừa giảm thêm 3.000 đồng/chục.
Bà Thắm cho hay, năm qua giá dừa xuống thấp, cả năm hơn 6.000 m2 đất vườn dừa của bà chỉ thu về hơn 18 triệu đồng. Không đủ chi phí cho cuộc sống, do đó chăm sóc cho cây dừa cũng hạn chế. Theo bà Thắm, hiện đang vào mùa nghịch vụ sản lượng dừa thấp, kèm theo giá dừa giảm người dân không đủ chi phí đầu tư cho cây dừa vì mùa hạn mặn sắp đến. Nguy cơ ảnh hưởng chất lượng, sản lượng vườn dừa trong thời gian tới. Cụ thể vườn dừa không được bón phân, không đủ chi phí thuê nhân công bồi phù sa cho cây dừa, thiếu chi phí đầu tư tái tạo dinh dưỡng cho cây dừa, do vậy sản lượng dừa sẽ sụt giảm trong thời gian tới.
Tại huyện Bình Đại, giá dừa giảm sâu hơn 1 năm qua, có lúc chỉ còn 1.000 đồng/trái, khiến nhà vườn thua lỗ, ông Trần Văn Tới, xã Phú Vang (Bình Đại) có 0,5 ha dừa 20 năm tuổi, bình quân mỗi tháng thu hoạch một lần trên 600 trái. Thời điểm này những năm trước, dừa có giá từ 70.000 – 80.000 đồng một chục (12 trái), bình quân mỗi đợt thu hoạch gia đình ông kiếm hơn 3 triệu đồng. Hơn một năm nay, giá dừa khô liên tục lao dốc, có thời điểm chỉ còn 12.000 đồng một chục, tương đương chỉ hơn 1.000 đồng mỗi trái. Với thu nhập thấp, hơn 1 năm qua vườn dừa chỉ bón được 1 lần phân bón. Theo ông Tới, bình quân một 1.000 m2 dừa, bón phân 3 lần một năm, tổng chi phí đầu tư vườn dừa hơn 4 triệu đồng/1.000 m2/năm, với giá dừa thấp hiện tại tiền bán trái chỉ bằng phân nửa tiền đầu tư cho cây dừa.
Không riêng cây dừa khô nguyên liệu, hiện giá dừa xiêm xuống thấp trong mùa nghịch vụ. Ông Nguyễn Văn Tâm, xã Giao Long, huyện Châu Thành (Bến Tre) chia sẻ, mỗi năm vào mùa nắng nóng giá dừa uống nước sẽ tăng mạnh do nhu cầu thị trường tăng. Tuy nhiên, năm nay giá dừa vẫn giữ mức thấp chỉ bằng nửa giá các năm trước. Hiện dừa xiêm loại 1 có giá 45.000 đồng/chục, nếu thu mua xô (không phân loại) có gia từ 30.000-35.000 đồng/chục. Ông Tâm chia sẻ, với giá dừa hiện nay người dân không đủ chi phí cho cuộc sống và chi phí đầu tư cho cây dừa. Với giá dừa từ 65.000/chục trở lên nông dân mới đủ chi phí lo cho cuộc sống gia đình.
Ông Huỳnh Quang Đức, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre cho biết, tình trạng dừa khô rớt giá sâu, lâu hơn một năm nay nằm trong bối cảnh chung của thế giới. Theo ông Đức, dừa Bến Tre xuất đi hơn 50 quốc gia, sau đại dịch COVID – 19, nhiều nước có diện tích dừa lớn như Ấn Độ, Indonesia, Philippines bị tồn đọng hàng, dừa trong tỉnh vì thế cũng bị "dội hàng".
Tỉnh Bến Tre đã kiến nghị đến các bộ, ngành trung ương nhằm xúc tiến thương mại, tiếp cận thêm các thị trường mới, nhưng tình hình vẫn còn rất khó khăn. Ông Đức cho hay, thị trường Trung Quốc sau dịch vẫn chưa khai thông, tỉnh đang thương lượng chính ngạch với thị trường Trung Quốc cũng như thị trường Mỹ. Chỉ cần hai thị trường này được khai thông giá dừa sẽ tăng trở lại. Mặt khác, tỉnh Bến Tre đang khuyến khích, đẩy mạnh các hộ dân sản xuất dừa theo hướng hữu cơ và liên kết với các công ty chế biến sâu các sản phẩm từ dừa, nhất là dừa khô nguyên liệu, khi đó công ty sẽ mua lại người dân với giá tăng cao hơn từ 5.000-15.000 đồng/chục. Người trồng dừa sẽ có nguồn ra ổn định và giá sẽ luôn cao hơn với thị trường làm tăng lợi nhuận cho nhà vườn.
Bến Tre có trên 78.000 ha dừa, chiếm 80% diện tích dừa miền Tây và 50% dừa cả nước. Hơn 75% người dân trong tỉnh sống nhờ kinh tế từ cây dừa.