Trước tình hình trên, để chủ động tổ chức kiểm soát tốt, không để các loại dịch bệnh động vật nguy hiểm, nhất là các bệnh lở mồm long móng, viêm da nổi cục, ung khí thán,... xảy ra và lây lan diện rộng; đồng thời, kịp thời chấn chỉnh, khắc phục một số tồn tại, hạn chế trong thú y trên địa bàn tỉnh, nhất là việc giám sát, phát hiện sớm dịch bệnh tại địa phương; tổ chức lấy mẫu, xác định nguyên nhân gây bệnh để có biện pháp xử lý kịp thời, theo đúng quy định; phối hợp, chế độ thông tin, báo cáo giữa cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã... tỉnh Gia Lai đã yêu cầu các ngành chức, các cấp huyện, thị xã, thành phố tăng cường triển khai quyết liệt và đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật.
Các đơn vị tăng cường giám sát dịch bệnh gia súc, gia cầm nhất là tại các khu vực từng có vật nuôi mắc bệnh, khu vực có nguy cơ cao để phát hiện sớm, cảnh báo và xử lý dứt điểm ổ dịch khi mới được phát hiện; xử lý nghiêm các trường hợp giấu, không báo cáo dẫn đến dịch bệnh lây lan rộng, gây ảnh hưởng đến cộng đồng.
Địa phương bố trí đủ nhân viên thú y cấp xã, đảm bảo cho giám sát, xử lý dịch bệnh động vật tại địa phương; báo cáo kịp thời các trường hợp dịch bệnh động vật theo quy định; khẩn trương, chủ động bố trí kinh phí, triển khai Quyết định số 676/QĐ-UBND ngày 07/11/2022 của UBND tỉnh về phê duyệt Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn và thủy sản trên địa bàn tỉnh Gia Lai năm 2023. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân chủ động tiêm phòng vắc xin cho đàn vật nuôi; tổ chức tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi, nhận biết và khai báo dịch bệnh động vật theo quy định.
Đặc biệt, đối với huyện Krông Pa cần tập trung huy động các nguồn lực để triển khai đồng bộ các biện pháp kiểm soát, xử lý dứt điểm các ổ dịch nghi mắc bệnh ung khí thán trên địa bàn, không để lây lan diện rộng. Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Gia Lai phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Krông Pa khẩn trương xử lý dứt điểm các ổ dịch nghi mắc bệnh ung khí thán.