Tại các chợ trên địa bàn thành phố Hưng Yên và các huyện Yên Mỹ, Văn Lâm, Phù Cừ, Khoái Châu, Ân Thi... dù sức mua thịt lợn tươi sống của người dân không tăng nhưng giá vẫn cao ngất ngưởng, ở mức từ 160.000 đến 180.000 đồng/kg thịt thương phẩm.
Bà Đỗ Thị Lan, hộ chăn nuôi ở thị trấn Yên Mỹ cho hay, hiện giá lợn thương phẩm (móc hàm) bán cho thương lái bình quân là 12.700 đồng/kg, tương đương với mức hơn 95.000 đồng/kg hơi loại lợn có trọng lượng dưới 80 kg, với lợn có trọng lượng trên 100 kg ở mức giá 100.000 đồng/kg hơi.
Theo các thương lái ở chợ Phố Hiến và chợ Hiến Nam (thành phố Hưng Yên), sau dịch tả lợn châu Phi, các trang trại và các hộ chăn nuôi chưa mạnh dạn tái đàn, số lượng đàn lợn nuôi còn lại trong dân không nhiều, trong các trang trại đàn lợn thương phẩm bị giảm nên không có để bán, trong khi các doanh nghiệp chăn nuôi chỉ chiếm 35% sản lượng cung cấp cho thị trường. Theo đó, giá bị đẩy lên mức cao.
Bà Nguyễn Thị Giang, một tiểu thương kinh doanh thịt lợn tại chợ Gạo (thành phố Hưng Yên) cho biết, hiện các lò mổ vẫn phải nhập lợn từ các trang trại chăn nuôi với giá trên 95.000 đồng/kg. Để mua được lợn thương phẩm phải đặt trước vài tháng chờ xuất chuồng mà vẫn chật vật. Nguồn cung quá khan hiếm nên giá bán thịt lợn đến tay người tiêu dùng không những không giảm mà còn tăng cao hơn.
Theo các hộ chăn nuôi ở huyện Tiên Lữ, Kim Động, các trang trại, cơ sở chăn nuôi chủ yếu bán lợn thịt cho thương lái và các lò mổ, phải qua nhiều khâu trung gian, làm cho giá thịt lợn bị đẩy lên cao. Do vậy, muốn bình ổn thị trường, các ngành chức năng cần kiểm soát tốt khâu trung gian, quản lý chặt giá bán ngoài thị trường, nếu chỉ yêu cầu phía người chăn nuôi giảm giá lợn hơi là chưa đủ.
Hưng Yên là nơi xảy ra dịch tả lợn châu Phi đầu tiên trên cả nước. Từ đầu tháng 2 đến tháng 9/2019, các địa phương trong tỉnh đã phải tiêu hủy gần 200.000 con lợn (tổng trọng lượng hơn 11.000 tấn) mắc bệnh tại hơn 11.000 hộ ở 156 xã, phường, thị trấn. Việc khôi phục đàn lợn vẫn còn gặp nhiều khó khăn nên nhiều trang trại và các hộ chăn nuôi vẫn chưa ổn định trở lại.
Bà Nguyễn Thị Hoa, Phó trưởng Phòng Chăn nuôi - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hưng Yên cho biết, hiện nay, tổng đàn lợn toàn tỉnh ước đạt khoảng 435.000 con; trong đó, lợn nái khoảng 46.000, còn lại là lợn thịt. Mặc dù số lượng đàn lợn, nguồn cung thịt lợn từ các trang trại và hộ chăn nuôi trong tỉnh đã tăng so với đầu năm nhưng vẫn chưa dồi dào, làm giá thịt lợn treo cao.
Đáng chú ý, hiện nay giá lợn giống đang rất cao, phổ biến từ 2,5 - 3 triệu đồng/con. Hơn nữa, tâm lý e ngại dịch bệnh khiến cho nhiều hộ chăn nuôi ở Hưng Yên còn dè dặt, chưa mạnh dạn tái đàn. Ở những hộ chăn nuôi an toàn sinh học, chi phí để phòng chống dịch tả lợn châu Phi và các biện pháp chăm sóc cũng tốn kém khiến giá thành sản xuất tăng cao.