Giá mai vàng tăng 30-40% so với năm trước

Mặc dù còn hơn hai tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, nhưng hiện đã có hơn 80% sản phẩm mai vàng ghép phục vụ thị trường Tết của nhà vườn huyện Chợ Lách (Bến Tre) đã được thương lái tìm đến đặt mua.

Giá bán mai vàng tăng hơn 30% đến 40% so với năm trước, khiến người trồng mai rất phấn khởi.

Theo chị Nguyễn Thị Ngọc Hạnh, xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách, cách đây một tháng, thương lái đã đến đặt mua hơn 1.500 chậu mai vàng ghép của gia đình, với giá cao hơn 30% so với Tết Nguyên đán 2017. Tùy theo sản phẩm lớn nhỏ, có giá từ 80.000 đồng đến 350.000 đồng/chậu.

Chị Hạnh cho hay, hàng năm, đến khoảng gần tết thương lái mới tìm đến mua, nhưng năm nay thương lái đến sớm bán được giá cao nên gia đình phấn khởi. Bên cạnh đó, bán được mai rồi có tiền để mua cây giống chuẩn bị nuôi phục vụ tết năm sau.

Vườn mai ghép mini hơn 5.500 chậu của anh Trần Hữu Hiệp, xã Hưng Khánh Trung B, huyện Chợ Lách đã được thương lái đạt mua hơn 4.000 chậu. Với giá bán từ 80.000 đồng đến 130.000 đồng/chậu. Số còn lại anh Hiệp đang chờ giá vì hiện nay thị trường đang hút hàng.

Theo anh Hiệp, vườn mai của gia đình chủ yếu là mai ghép (giống mai giảo ghép với mai thường) loại “mini” và loại trung bình. Đây là loại mai theo anh Hiệp được thương lái, doanh nghiệp săn tìm ráo riết nhất hiện nay. Bởi đây là loại phổ thông, phù hợp với hầu hết người tiêu dùng trong dịp Tết.

Thị trường mai kiểng trở nên sôi động trong khoảng hơn nửa tháng qua. Hầu hết những nhà vườn tại 2 làng nghề kiểng mai là Phú Hội và Vĩnh Phú, huyện Chợ Lách đã thỏa thuận được giá với thương lái và doanh nghiệp. Nhưng các thương lái chủ yếu mua loại mai ghép, đối với loại mai tàng (mai nguyên thủy) các thương lái ít tìm đến mua.

Anh Trần Văn Nam, thương lái đến từ Đà Nẵng cho biết, do ảnh hưởng thời tiết, thiên tai nên lượng mai tại các khu vực miền Trung giảm mạnh và các thương lái phải tìm đến Chợ Lách để mua hàng. Mặt khác, nhu cầu người tiêu dùng ưa chuộng loại mai ghép mini và trung bình vì dáng cây nhỏ, giá cả vừa túi tiền. Các loại mai này ở khu vực miền Trung sản xuất ít hàng. Dịp Tết năm nay,  nhu cầu tiêu thụ của anh Nam là hơn 10.000 cây mai ghép. Tuy nhiên, có mặt huyện Chợ Lách hơn nửa tháng qua mà anh Nam chỉ mua được hơn 8.000 sản phẩm do nhà vườn vẫn đang chờ giá.

Ông Trần Minh Mẫn, Phó Chủ tịch Hội sinh vật cảnh huyện Chợ Lách cho biết, chuẩn bị cho dịp Xuân Mậu Tuất năm 2018, nhà vườn Chợ Lách sản xuất trên 12 triệu sản phẩm hoa kiểng các loại, chủ yếu là các loại hoa kiểng truyền thống như mai vàng, hoa treo, bông nở…. Mai vàng chiếm trên 3 triệu sản phẩm, giảm hơn 10% so với Tết năm 2017; trong đó, hơn 1 triệu sản phẩm là mai ghép giảo hay còn gọi là huỳnh mai. Sản phẩm mai gốc ghép hiện đã tiêu thụ được hơn 80%. Do đặc tính hoa bông to, nhiều cánh, nở lâu tàn nên loại hoa này được mọi người ưa chuộng để trưng tết.

Theo ông Mẫn, thị trường mai vàng sôi động như hiện nay chủ yếu do thương lái miền Trung, miền Bắc đổ vào mua với số lượng khá lớn, tập trung mua các sản phẩm mai ghép, nên hiện khoảng 2 triệu sản phẩm mai vàng nguyên thủy vẫn tiêu thụ chậm.

Huỳnh Phúc Hậu (TTXVN)
Nét mới của đường hoa Tết Mậu Tuất 2018 tại TP Hồ Chí Minh
Nét mới của đường hoa Tết Mậu Tuất 2018 tại TP Hồ Chí Minh

Đường hoa Tết Mậu Tuất 2018 năm nay tại TP Hồ Chí Minh có nhiều điểm mới với cụm linh vật được khắc họa, lấy cảm hứng từ chú chó Phú Quốc có tính cách nổi bật nhanh nhẹn, thông minh, gan dạ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN