Đây là một trong những chủ đề nóng được đưa ra mổ xẻ tại diễn đàn Việt Nam CEO Forum 2015 khi đề cập đến việc Việt Nam gia nhập cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC). Các chuyên gia kinh tế cho rằng, “dẫn đầu” hay “theo gót” là sự lựa chọn mang tính sống còn đối với các doanh nghiệp (DN) Việt Nam.
Theo đó, nhiều câu hỏi được đặt ra là DN vừa và nhỏ Việt Nam tìm đâu ra sức mạnh để “tấn công”; đâu là bước đi chiến lược “sắc sảo” nhất dành cho DN Việt Nam trong một “bức tranh” cạnh tranh mang tính “sống còn” ở tầm khu vực; hội nhập mang đến một sân chơi lớn với nhiều “đối thủ” tương đồng hoặc mạnh hơn xuất hiện, DN Việt Nam nên lựa chọn chiến lược nào - hợp tác hay đối đầu; sáng tạo để dẫn đầu hay theo gót để thành công; hội nhập sẽ đem đến nhiều cơ hội và thách thức, đối với các DN lớn để tiếp tục dẫn đầu thị trường thì các DN này cần đầu tư, chuẩn bị cho mình những bước đi phù hợp như thế nào…. đã làm gia tăng sức nóng của diễn đàn.
CEO Microsoft chia sẻ thông tin tại diễn đàn Ceo Forum 2015 |
Lần đầu tiên, Bộ Trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cùng các nhà hoạch định chính sách đã có phần đối thoại trực tiếp cùng tham luận những vấn đề nóng hổi về các “luật chơi” cần nắm bắt trước khi gia nhập một sân chơi mới. Bộ trưởng Hà Hùng Cường nhấn mạnh: “Quá trình hội nhập buộc chúng ta phải chấp nhận những luật lệ mới với những tiêu chuẩn mới và những thách thức mới. Để vượt qua được những thách thức và hội nhập thành công, không chỉ tư duy phục vụ cho 90 triệu dân Việt Nam mà còn phải là tư duy phục vụ cho hơn 600 triệu dân ASEAN và tầm nhìn toàn cầu. Từ đó, doanh nghiệp cần nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như nguồn nhân lực của mình, và Nhà nước thông qua cải cách thể chế sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia”.
Chương trình Việt Nam CEO Forum 2015 do Hội Doanh nhân Trẻ TP Hồ Chí Minh khởi xướng và đồng tổ chức bởi các CLB, Hiệp hội Doanh nghiệp hàng đầu tại TP Hồ Chí Minh. Đây là lần thứ tư sự kiện được tổ chức với những cải tiến vượt bậc và sự tham gia của hơn 20 diễn giả hàng đầu trong nước và quốc tế, thu hút 1.000 CEO trong và ngoài nước, thảo luận chia sẻ 6 chủ đề mang tính thời sự sống còn của CEO Việt. |
Tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cũng cùng các CEO cũng phân tích và đánh giá về tình hình chung trước thềm hội nhập sắp tới. Theo nhiều ý kiến, tham gia AEC đồng nghĩa với việc 10 quốc gia trong khối ASEAN có thể tự do giao thương, tự do đầu tư, tự do di chuyển vốn và tự do dịch chuyển lao động có kỹ năng mở ra một thị trường lớn, vượt ra ngoài ranh giới thị trường hơn 90 triệu dân của Việt Nam, trở thành "thị trường chung” rất đặc biệt với hơn 600 triệu người tiêu dùng. Điều này cũng có nghĩa, AEC đang mang đến cơ hội lớn hơn 6 lần so với thị trường nội địa thuần tuý, nhưng DN Việt Nam buộc phải đối diện với sự cạnh tranh khốc liệt tầm ASEAN với cuộc chơi không chỉ dừng lại ở “sân nhà” mà còn diễn ra trên cả “sân khách”.
Ông Nguyễn Thu Phong, Trưởng Ban chỉ đạo Việt Nam CEO Forum 2015, cho rằng với thế mạnh về tính sáng tạo cao, vị thế thuận lợi khi ở “trong lòng” một thị trường đầy tiềm năng, chắc chắn DN Việt Nam vẫn có cơ hội tạo ra bứt phá, đặc biệt là khi khai thác thị trường ngách. Có thể thấy, để có được những con số “trong mơ” (tổng doanh thu năm 2014 đạt 34.977 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng doanh thu bình quân khoảng 22% mỗi năm, tổng số tiền nộp ngân sách nhà nước trong 10 năm qua hơn 19.000 tỷ đồng) Vinamilk đã phải kiên trì chiến lược xác định đúng sản phẩm chủ lực, liên tục nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu của đông đảo người tiêu dùng, đồng thời khai thác sâu tính sáng tạo trong nội bộ. Hay Công ty TNHH URC Việt Nam với sản phẩm trà xanh C2. “Ngách” mà C2 chọn để tấn công là truyền thông mạnh cho chất lượng “chế biến từ 100% trà xanh Thái Nguyên”, một địa danh trồng trà nổi tiếng của Việt Nam.
Điều này minh chứng, đôi khi DN lựa chọn thị trường ngách không cần phải tạo ra một sản phẩm hoàn toàn mới mà chỉ cần có những sáng tạo phù hợp từ một sản phẩm đã có, đồng thời có chiến dịch tiếp thị thu hút sự chú ý của người tiêu dùng. Ngoài ra, chiến lược “theo gót” vốn dễ áp dụng hơn dành cho đa số DN khởi nghiệp và tái khởi nghiệp với quy mô vừa và nhỏ, thay vì nỗ lực tập trung vào phần nhỏ của thị trường lớn. Tuy nhiên, vẫn nhiều ý kiến cho rằng DN cần thận trọng trong việc đánh giá đặc điểm nhu cầu của thị trường. Những điều mà doanh nghiệp đang hình dung về thị trường ngách có thực sự đúng đắn chưa? Điều này liên quan đến việc đánh giá tiềm năng của thị trường, cách tiếp cận của doanh nghiệp đối với khách hàng mục tiêu.
Trái ngược với quan điểm trên, ông Vũ Minh Trí, Tổng Giám đốc Microsoft Việt Nam, nhận định:
để cạnh tranh khi hội nhập, trước mắt các DN phải nâng cao quản trị và ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT). Có như vậy, DN Việt Nam mới có thể tận dụng, khai thác
triệt để thị trường và từ đó
bứt phá để có thể dẫn đầu khi thị trường chuyển đổi.
Có thể thấy hiện nay trên thế giới, nền tảng CNTT
đã giúp các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân nâng cao hiệu suất công việc, phát huy được tối đa tiềm năng nội tại. Nắm bắt vấn đề đó, Microsoft không ngừng biến đổi để phù hợp với xu hướng mới và tương lai.
“Ví dụ, khi sử dụng những nền tảng và dịch vụ đám mây ưu việt như Microsoft Azure, Office 365, DN có thể rút ngắn được khoảng cách công nghệ. Hay với giải pháp kết nối để chuyển đổi từ số liệu Big Data thành kiến thức mà Microsoft hiện đã xây dựng và tiếp tục phát triển cho các tập đoàn, chính phủ toàn cầu và cả Việt Nam, cụ thể là Microsoft CityNext – bộ giải pháp linh hoạt để xây dựng chính phủ điện tử dễ tương thích, dễ truy cập với tính an toàn, bảo mật ở cấp độ cao nhất... sẽ giải quyết được bài toán hiệu suất, đưa ra được các báo cáo minh bạch cho quản trị, cũng như tạo được tầm nhìn xuyên suốt trong quá trình phát triển tiếp theo", ông Vũ Minh Trí chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Thu Phong, sứ mệnh chỉ có thể thực thi khi thế hệ CEO 3.0 – thế hệ CEO Việt Nam thời hội nhập, sẵn sàng đón nhận và thay đổi tư duy với thái độ tích cực nhất trước khi bước vào cuộc chơi lớn trong tương lai.