Hạn hán nặng nề nhất trong hơn nửa thế kỷ qua đang hoành hành tại Mỹ - nhà xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới, khiến hầu hết các thị trường nông sản tuần qua đều đi lên, do sản lượng các loại ngũ cốc chủ chốt có nguy cơ sụt giảm, kéo theo khả năng nguồn cung trở nên hạn hẹp và từ đó đẩy giá nông sản tăng.
* Ngũ cốc và đậu tương
Theo dự báo, giá các loại ngũ cốc sẽ tăng cao kỷ lục. Nguồn: Internet. |
Giá đậu tương và ngô đã tăng mạnh trong tuần qua sau khi Bộ Nông nghiệp Mỹ vào ngày cuối tuần (10/8) cho biết đã hạ dự báo sản lượng trên toàn cầu xuống mức thấp nhất trong 6 năm qua, do nắng nóng và hạn hán kỷ lục đang hoành hành tại khắp các nông trại của nước Mỹ. Theo các nhà phân tích, thông tin trên chắc chắn sẽ khiến giá các loại nông sản, trong đó có ngô và đậu tương, tăng lên các mức cao kỷ lục.
Hạn hán tại Mỹ đang ảnh hưởng đến giá lương thực trên toàn thế giới. Theo báo cáo ngày 9/8 của Tổ chức Nông-Lương của Liên hợp quốc (FAO), chỉ số giá thực phẩm toàn cầu của FAO đã tăng 6% trong tháng 7 sau khi sụt giảm liên tiếp trong ba tháng trước đó. Ngày 10/8, người đứng đầu FAO, ông Jose Graziano da Silva, đã hối thúc Mỹ ngừng sử dụng ngô và một số ngũ cốc khác để sản xuất ethanol làm nhiên liệu sinh học để có thể giúp làm dịu bớt đà tăng giá.
Đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần 10/8 tại Sàn giao dịch nông sản Chicago (Mỹ), giá ngô giao tháng 12/2012 tăng vọt lên 8,18 USD/bushel (1 bushel ngô =25,4kg), so với 8,07 USD/bushel cuối tuần trước nữa. Trong khi đó, giá đậu tương giao tháng 11/2012 (loại dùng cho chăn nuôi gia súc) cũng tăng lên 16,53 USD/bushel, so với 16,28 USD/bushel của cuối tuần trước nữa. Tuy nhiên, giá lúa mỳ giao tháng 12 lại giảm từ 9,03 USD/bushel xuống còn 8,99 USD/bushel (1 bushel đậu tương và lúa mỳ = 27,2kg).
* Ca cao
Trong tuần qua, giá ca cao đã có thời điểm tăng lên mức cao nhất trong 10 tháng qua do giới đầu tư lo ngại về thời tiết khô hạn ở Tây Phi - khu vực trồng ca cao lớn nhất trên thế giới, sẽ ảnh hưởng tới sản lượng của vụ mùa chính bắt đầu vào tháng 10 tới.
Tại hai thị trường Niu Yoóc và Luân Đôn, giá ca cao đã có lúc tăng lên 2.479 USD/tấn và 1.674 bảng Anh/tấn - các mức cao nhất kể từ tháng 11/2011.
Vào lúc đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần 10/8 tại Sàn giao dịch nông sản Luân Đôn (LIFFE), giá ca cao giao tháng 12 đứng ở mức 1.674 bảng Anh/tấn, so với mức 1.647 bảng Anh/tấn của cuối tuần trước nữa. Còn tại Sàn giao dịch nông sản Niu Yoóc (NYBOT-ICE), giá cao cao giao tháng 9 cũng tăng lên 2.479 USD/tấn, so với 2.372 USD/tấn vào cuối tuần trước nữa.
* Cà phê
Nguồn cung ổn định tại Braxin khiến giá cà phê không bị cuốn vào "cơn lốc" tăng giá như các loại nông sản khác. Tuy nhiên, theo giới phân tích, dù nguồn dự trữ cà phê Arabica khá dối dào và vẫn tăng đều đặn hàng ngày tại Braxin, song giới đầu tư lại khá lo ngại về nguồn cung loại cà phê Robusta.
Đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần 10/8 tại NYBOT-ICE, giá cà phê Arabica giao tháng 9 giảm xuống còn 166,55 xu Mỹ/pound, so với 172,50 xu Mỹ/pound khi khép lại tuần trước nữa. Trong khi đó, tại LIFFE, giá cà phê Robusta giao cùng kỳ cũng giảm từ 2.230 USD/tấn của cuối tuần trước nữa xuống 2.175 USD/tấn.
* Đường
Tương tự như cà phê, nguồn cung dồi dào tại Braxin - nhà sản xuất và xuất khẩu đường lớn nhất thế giới -, cũng giúp giá đường rẻ hơn trong tuần qua, trong khu nhu cầu về đường cũng xuống thấp hơn so với 3 tuần trước đây và có nhiều dấu hiệu cho thấy nhu cầu sẽ còn tiếp tục yếu đi trong ngắn hạn.
Đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần 10/8 tại NYBOT-ICE, giá đường thô giao tháng 10 trượt xuống còn 21,04 xu Mỹ/pound, giảm tiếp so với 21,97 xu Mỹ/pound từ cuối tuầntrước nữa. Trong khi đó, tại LIFFE, giá đường trắng cũng lùi từ 607,80 USD/tấn xuống 586,50 USD/tấn.
Thùy Chi (Theo AFP)