Theo ông Lưu Hoàng Ngọc, nguyên nhân khiến giá phân bón tăng là do hiện giá cước vận chuyển container đã tăng 5 lần so với năm trước. Trong khi đó, phân bón của Việt Nam như DAP, MAP và Ure hầu hết được vận chuyển bằng container.
Cùng với đó, nguồn cung phân bón trong khu vực Đông Nam Á sụt giảm do nhiều nhà máy bước vào giai đoạn bảo dưỡng, sửa chữa. Giá phân bón trong nước có sự liên thông với giá phân bón thể giới, các chi phí về nguyên liệu sản xuất, nên khi giá nguyên nhiêu liệu sản xuất phân bón thế giới tăng, giá phân bón trong nước cũng tăng theo.
“Theo kinh nghiệm của chúng tôi, chu kỳ giá của phân bón thì cứ khoảng 10 năm sẽ có độ tăng giảm. Năm nay cũng giống như năm 2008 là chu kỳ giá phân bón đi lên”, ông Lưu Hoàng Ngọc cho hay.
Hiện nay, theo Nghị định 84/2019/NĐ-CP của Chính phủ, việc quản lý phân bón được giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhưng dưới góc độ quản lý ngành, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp để đảm bảo nguồn cung, cũng như hỗ trợ bình ổn giá.
Cũng theo ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã có các biện pháp tự vệ với phân bón DAP và MAP nhập khẩu để bảo vệ sản xuất trong nước. Sau khi điều tra, cân nhắc các yếu tố tác động kinh tế - xã hội, Bộ đã ban hành quyết định áp thuế từ 2017 và hiện tượng tăng giá phân bón diễn ra mạnh chủ yếu bắt đầu từ đầu năm 2021.
“Chúng tôi thường xuyên theo dõi tình hình thị trường phân bón và có đánh giá nguyên nhân khiến giá phân bón tăng thời gian qua. Vấn đề này chủ yếu do các yếu tố như nguyên liệu sản xuất tăng, chi phí vận tải tăng”, ông Dũng nói.
Cụ thể như nguyên liệu sản xuất phân DAP và MAP là lưu huỳnh tăng 2 lần, giá ammoniac tăng khoảng 30%, giá vận chuyển tăng 5 lần… Những yếu tố này khiến giá phân bón tăng.
Đại diện Bộ Công Thương cho biết, trong quá trình phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để đánh giá cung cầu, Bộ Công Thương nhận thấy, phân bón thời gian qua hoàn toàn đủ năng lực cung ứng nhu cầu trong nước. Phân bón DAP, MAP nhập khẩu tăng 50%, sản xuất trong nước tăng 130%, trong khi đó nhu cầu cũng không phải quá lớn. Cùng với đó, khi có sản xuất trong nước làm đối trọng với hàng nhập khẩu thì mức tăng của DAP MAP sản xuất trong nước thấp hơn so với mức tăng của hàng nhập khẩu (8-10 triệu/tấn so với 14-15 triệu/tấn). Đây cũng là đối trọng kìm hãm sự tăng giá phân bón, giúp bình ổn thị trường hơn.
Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để theo dõi diễn biến thị trường phân bón và có các giải pháp kiểm soát, bình ổn thị trường cho phù hợp.