Theo số liệu của Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) ngày 7/1, tỷ lệ lạm phát tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) chỉ ở mức 0,8% trong tháng 12/2013. Con số này khiến người ta lo ngại Eurozone sẽ phải đối mặt với giảm phát và cũng tạo sức ép lên Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) để tiến hành các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Eurozone có thể sẽ phải đối mặt với giảm phát.
|
Sau 4 năm lạm phát đạt mức thấp nhất với 0,7% trong tháng 10 thì đến tháng 11, tỷ lệ lạm phát tại Eurozone tăng nhẹ lên 0,9%. Những con số này cho thấy nguy cơ tiềm ẩn tại Khu vực Eurozone vì mục tiêu mà ECB đề ra là duy trì mức lạm phát trung hạn dưới ngưỡng 2%. Năm 2012, tỷ lệ lạm phát tại khu vực này là 2,2%. Theo các nhà phân tích, nhóm các mặt hàng làm gia tăng lạm phát trong tháng 12 là thực phẩm, đồ uống có cồn và thuốc lá với mức tăng 1,8% so với 1,6% trong tháng 11. Nhóm năng lượng giá cả ổn định sau khi giảm 1,1% trong tháng trước. Nếu không tính đến nhóm mặt hàng này thì lạm phát chỉ là 0,7% trong tháng 12. Nếu như vậy, đây là một "mức giảm kỷ lục", theo ông Ben May từ Capital Economics.
Chuyên gia Peter Vanden Houte thuộc Ngân hàng ING cảnh báo những con số này cho thấy nguy cơ giảm phát tại khu vực Eurozone. Giá tiêu dùng giảm, tiền lương giảm sẽ dẫn tới nguy cơ giảm phát và điều này thể hiện hoạt động kinh tế bị tê liệt. Ông Ben May cũng lo ngại sẽ xuất hiện giai đoạn giảm phát vì "rất ít tín hiệu cho thấy xu hướng mới sẽ đổi chiều".
Theo ông Ben May, Chủ tịch ECB Mario Draghi đã dự đoán sẽ có một giai đoạn dài lạm phát ở mức thấp. Hồi tháng 11/2013 ECB đã hạ lãi suất chủ đạo từ 0,5% xuống 0,25% và vẫn duy trì mức lãi suất thấp kỷ lục này.
Các nhà phân tích cho rằng trong cuộc họp diễn ra ngày 9/1, ECB sẽ phải giữ nguyên lãi suất, dù cho lạm phát đang thấp hơn nhiều so với mục tiêu 2%.
Hương Giang (P/v TTXVN tại Brussels)