Tạo môi trường đầu tư thuận lợi
Đánh giá về lợi thế thu hút đầu tư của Cà Mau - địa phương thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, đại diện Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, chi nhánh tại Cần Thơ khẳng định: Đây là tỉnh có vị trí nằm tại trung tâm biển của các nước Đông Nam Á, trên tuyến đường hành lang kinh tế ven biển phía Đông của vùng biển Tây Nam Bộ và tuyến hành lang kinh tế Campuchia-Việt Nam-Thái Lan, rất thuận tiện cho các hoạt động giao thương.
Bên cạnh đó, Cà Mau có nhiều lợi thế trong phát triển nuôi trồng và khai thác thuỷ sản, tạo vùng nguyên liệu vững chắc. Với 254 km chiều dài bờ biển, có hệ sinh thái rừng ngập mặn và ngập ngọt, có khu dự trữ sinh quyển và khu Ramsar (vùng đất ngập nước có tầm quan trọng) thế giới, Cà Mau là điểm đến rất phù hợp để các nhà đầu tư tìm hiểu cơ hội đầu tư, phát triển kinh tế biển, nông nghiệp công nghệ cao, du lịch sinh thái, năng lượng tái tạo.
Xác định lợi thế, để thúc đẩy thu hút đầu tư, một trong những yếu tố quan trọng được tỉnh Cà Mau quan tâm thực hiện là phát triển hạ tầng giao thông, tạo thuận lợi cho việc triển khai các dự án đầu tư cũng như các hoạt động thông thương hàng hóa.
Ông Nguyễn Đức Thánh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Cà Mau cho biết, thời gian qua, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông ở tỉnh được quan tâm đầu tư và có nhiều chuyển biến tích cực, nhiều dự án đã được đầu tư xây dựng mới. Ngoài hai tuyến Quốc lộ 1 và Quốc lộ 63 đã đầu tư, trên địa bàn tỉnh đã hình thành thêm 3 tuyến mới, là: Đường Quản lộ Phụng Hiệp, đường Hồ Chí Minh đoạn Năm Căn - Đất Mũi và đường Hành lang ven biển phía Nam. Hiện nay, 100% xã ở Cà Mau đã có đường ôtô đến trung tâm; 50/82 xã đạt tiêu chí giao thông trong xây dựng nông thôn mới. Các tuyến đường đô thị, đường đến các cụm kinh tế, khu du lịch, khu di tích được ưu tiên đầu tư.
Tỉnh đang đẩy mạnh xúc tiến, huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiệu quả. Trong đó, Cà Mau ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình, dự án có tính liên kết, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, như: tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, khu đô thị sân bay Cà Mau, cảng Hòn Khoai và tuyến cao tốc từ thành phố Cà Mau đến xã Đất Mũi (huyện Ngọc Hiển).
Cũng theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Cà Mau, tỉnh luôn triển khai thực hiện đầy đủ các chính sách ưu đãi đầu tư theo đúng quy định của pháp luật. Trong quá trình triển khai các dự án, các cấp, các ngành tỉnh Cà Mau luôn đồng hành, tạo mọi thuận lợi, sẵn sàng hỗ trợ nhà đầu tư liên quan đến các nội dung như: đào tạo nghề và giới thiệu lao động, hỗ trợ chuyển giao, ứng dụng công nghệ, hỗ trợ pháp lý, xúc tiến thương mại, tín dụng, hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu như: đường giao thông, hệ thống điện. Các cơ quan chức năng của địa phương sẵn sàng tiếp nhận và giải quyết các phản ánh của doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Năm 2021, trong bối cảnh chịu tác động của dịch COVID-19, tỉnh Cà Mau đã thu hút được 37 dự án đầu tư. Từ đầu năm 2022 đến nay, tỉnh thu hút mới 7 dự án, với tổng vốn đăng ký khoảng 1.055 tỷ đồng. Hiện trên địa bàn toàn tỉnh có tổng cộng 433 dự án đầu tư đang hoạt động với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 141.290 tỷ đồng, tập trung ở các lĩnh vực nuôi trồng, chế biến thủy hải sản, năng lượng sạch, chế biến gỗ và du lịch sinh thái.
Thực hiện một trong ba đột phá chiến lược mà Đảng bộ tỉnh Cà Mau, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định triển khai là tăng cường xúc tiến đầu tư, ưu tiên mời gọi các nhà đầu tư chiến lược, có tiềm lực tài chính mạnh để đầu tư vào các lĩnh vực tỉnh có lợi thế, nhiều hoạt động hỗ trợ, kết nối, chủ động cung cấp thông tin đến các nhà đầu tư đang được tỉnh Cà Mau đẩy mạnh thực hiện.
Ông Triệu Thanh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Cà Mau thông tin, trong gần 6 tháng đầu năm 2022, trung tâm đã hướng dẫn, hỗ trợ các cá nhân, doanh nghiệp, nhà đầu tư thực hiện các thủ tục đăng ký doanh nghiệp với số lượng lên tới gần 250 hồ sơ, góp phần rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp khi tham gia hoạt động đầu tư, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời, trung tâm tích cực hỗ trợ các nhà đầu tư thực hiện các thủ tục có liên quan sau khi dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư như: thực hiện thủ tục đất đai, thủ tục thẩm định công nghệ, thủ tục miễn, giảm tiền thuê đất đối với dự án Nhà máy xử lý nước thải tập trung Khu công nghiệp Khánh An, Nhà máy chế biến thủy sản Minh Phát.
Cũng từ đầu năm đến nay, Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Cà Mau đón nhiều nhà đầu tư đến tìm hiểu, khảo sát đầu tư trên địa bàn Cà Mau như: Công ty TNHH Phát triển đô thị và xây dựng 379 tìm hiểu đầu tư một số dự án Chợ nổi phường 7, Khu tái định cư và nhà ở xã hội phường 4 và phường 9, thành phố Cà Mau.
Công ty TNHH MM Mega Market Việt Nam khảo sát đầu tư Khu thương mại dịch vụ MM Mega Market tại Cà Mau. Công ty TNHH Phúc Hoàng Nguyên khảo sát đầu tư dự án Khu đô thị dịch vụ - du lịch sinh thái. Công ty TNHH Giáo dục FP đến tìm hiểu đầu tư xây dựng Trường liên cấp tại Cà Mau.
Từ góc độ nhà đầu tư, ông Nguyễn Chí Phụng, Tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ ô tô- xe máy Nam Bình Cà Mau chia sẻ: quyết định đầu tư kinh doanh lĩnh vực ô tô, xe máy tại Cà Mau, doanh nghiệp đã tìm hiểu và đánh giá rất cao những lợi thế của địa phương như môi trường đầu tư, vị trí địa lý thuận lợi cho kết nối, hợp tác đầu tư, hạ tầng giao thông ngày càng được cải thiện.
Doanh nghiệp nhận được sự hướng dẫn, tạo thuận lợi của các cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau trong thực hiện các thủ tục hành chính, mặt bằng đầu tư kinh doanh, giúp doanh nghiệp nhanh chóng ổn định kinh doanh, tạo việc làm cho nhiều lao động ở địa phương.
Nâng cao năng lực cạnh tranh
Theo kết quả Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam công bố, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021 của tỉnh Cà Mau có sự bứt phá đáng kể. Cụ thể, chỉ số PCI Cà Mau xếp thứ 32/63 tỉnh, thành trong cả nước, tăng 11 bậc so với năm 2020 và xếp thứ 7 trong số 13 tỉnh, thành trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Đồng thời, kết quả xếp hạng PCI năm 2021 cũng ghi nhận chỉ số “Tính năng động và tiên phong” của chính quyền tỉnh của Cà Mau tăng tới 46 bậc, xếp hạng 15/63 tỉnh, thành. Kết quả này đánh đánh dấu 6 năm liên tục PCI Cà Mau có những chuyển biến tích cực về thứ hạng so với các tỉnh, thành phố cả nước và 3 năm liên tục so với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, thể hiện sự nỗ lực vượt bậc của tỉnh Cà Mau trong cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cho địa phương.
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Cà Mau, các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố đã có sự phối hợp đồng bộ, hiệu quả theo từng nhiệm vụ, giải pháp được phân công tại Đề án Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh Cà Mau giai đoạn 2021 -2025, định hướng đến năm 2030 đã được UBND tỉnh phê duyệt. Trong đó, tỉnh tập trung cải thiện những chỉ số thành phần trung bình, yếu, đồng thời củng cố, nâng cao chất lượng những chỉ số thành phần đạt khá.
Bên cạnh đó, Cà Mau tăng cường thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để minh bạch hoá quy trình, thủ tục, thực hiện tích hợp công khai dịch vụ công trực tuyến của tỉnh lên Cổng Dịch vụ công Quốc gia với tỷ lệ 100%. Tỉnh cũng thực hiện số hoá quy trình điện tử giải quyết thủ tục hành chính, tạo nhiều thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Thời gian tới, Cà Mau tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh cải cách hành chính xây dựng và phát triển chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số, nền kinh tế và xã hội số, thu hút và sử dụng nguồn vốn vay, vốn tư nhân thông qua các hình thức đối tác công- tư để phát triển hạ tầng, các ngành có lợi thế và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu.
Liên quan đến việc tiếp tục cải thiện chỉ số PCI, khẳng định điểm đến đầu tư hấp dẫn, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Cà Mau Trịnh Thanh Sang cho biết thêm: quyết tâm với định hướng tăng bậc trong xếp hạng PCI trong thời gian tới, tỉnh Cà Mau sẽ tiếp tục duy trì, phát huy kết quả các chỉ số thành phần có điểm số cao hơn điểm số trung bình cả nước và tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để cải thiện mạnh đối với một số chỉ số thành phần còn có điểm số thấp hơn điểm số trung bình cả nước.