Áp giá trần, giá sàn như thế nào?
Để đảm bảo cạnh tranh lành mạnh trong thị trường hàng không, phục hồi sản xuất kinh doanh sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát và kích cầu du lịch, mới đây, Vietnam Airlines đã đề xuất với Cục Hàng không Việt Nam (Bộ GTVT) tăng trần giá vé và đưa ra 2 phương án áp giá sàn vé máy bay nội địa.
Với giá trần, Vietnam Airlines đề xuất tăng từ 50.000 - 250.000 đồng cho các chặng bay từ 500 km đến 1.280 km trở lên. Giá vé trần sẽ được giữ nguyên với các đường bay phát triển kinh tế - xã hội, nhóm đường bay khác dưới 500 km.
Với giá sàn, theo phương án 1, Vietnam Airlines đề xuất áp bằng chi phí biến đổi của hàng không giá rẻ căn cứ theo chi phí của Pacific Airlines (thuộc Vietnam Airlines Group) giai đoạn 2019. Giá sàn cho các đường bay dưới 500 km là 414.000 đồng, 570.000 đồng các đường bay 500 - 850 km, 755.000 đồng cho các đường bay 850 - 1.000 km, 804.000 đồng cho các đường bay 1000 - 1.280 km và 917.000 đồng cho các đường bay từ 1.280 km trở lên. Phương án 2 là áp bằng 35% trần giá vé đề xuất, cao hơn phương án 1, áp dụng cho các đường bay từ dưới 500 km cho đến 1.280 km trở lên sẽ tăng dần từ 560.000 đồng lên cao nhất là 1,4 triệu đồng.
Nếu được thông qua, các hãng hàng không sẽ không thể tung ra những chương trình với giá vé máy bay siêu rẻ hoặc thậm chí 0 đồng mà phải tuân theo mức giá sàn này. Cơ sở tăng giá trần và áp giá sàn là bài toán để các hãng hàng không vượt qua khó khăn hậu COVID-19, cạnh tranh minh bạch và đón đầu xu hướng mở cửa hàng không quốc tế.
Qua tìm hiểu, hàng loạt các hãng hàng không nội địa khác như Vietjet, Bamboo Airways để kích cầu hàng không, du lịch đang triển khai mạnh các chương trình khuyến mại tới hành khách thông qua nhiều chương trình, combo như: Bay an toàn suốt tháng với vé siêu khuyến mãi chỉ từ 0 đồng; bay muôn nơi đến với combo trọn gói chỉ từ 2.340.000 đồng gồm vé máy bay và nghỉ dưỡng; thẻ bay không giới hạn dịp trả góp 0%...
Nhiều hành khách đi du lịch hiện nay cho rằng, trong môi trường cạnh tranh, giá vé càng rẻ và dịch vụ càng tốt thì càng có lợi cho người tiêu dùng. Ngược lại nếu áp giá trần, giá sàn, khác nào ngành hàng không trở thành độc quyền. Khi đó, người dân phải mua vé máy bay giá cao và đại đa số người dân khó có cơ hội bay. Bên cạnh đó, mỗi khi có hãng bay mới, chương trình khuyến mại mới ra mắt, người dân càng có thêm lựa chọn để đi lại và so sánh giá cả. Hãng nào có giá rẻ hay dịch vụ tốt thì khách chọn. Đó chính là cạnh trạnh, vì quyền lợi của người dân.
Còn theo các chuyên gia hàng không, việc áp giá trần, giá sàn không tăng mà làm giảm cạnh tranh hàng không, gây ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng. Thị trường hàng không cũng như thị trường xăng dầu, chưa có cạnh tranh thực sự, do có một số doanh nghiệp chiếm thị phần trên 30% và phải do thị trường điều tiết. Theo Luật giá thì Nhà nước chỉ áp dụng giá trần, mà không áp dụng giá sàn. Vì cạnh tranh là để hạ giá thành sản phẩm và nâng cao chất lượng dịch vụ. Ngoài ra, việc này còn hạn chế các chương trình kích cầu.
Bình đẳng hàng không, ưu tiên quyền lợi người dân
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn cho hay, quan điểm của Bộ là việc điều chỉnh giá sàn, giá trần vé máy bay không được vi phạm các quy định tại Luật Cạnh tranh và Luật Giá. Việc điều chỉnh này phải dựa trên cơ sở phù hợp các điều kiện thực tế thì người dân mới được hưởng quyền lợi. Quan điểm này thống nhất với quan điểm của Bộ Tư pháp là mọi việc đều phải tuân thủ pháp luật để tạo ra sự cạnh tranh bình đẳng cho các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Lê Anh Tuấn, khi một hãng hàng không cung cấp một dịch vụ đòi hỏi một chi phí cao hơn, cụ thể là thông số đầu vào cao hơn thì hoàn toàn có kiến nghị đề điều chỉnh khung giá. Qua đó, sẽ tạo ra nhiều sản phẩm dịch vụ. Bộ GTVT đang nghiên cứu xem xét điều chỉnh một số quy định tại Thông tư 19/2020/TT-BGTVT quy định về mức giá, khung giá dịch vụ chuyên ngành hàng không tại cảng hàng không, sân bay Việt Nam theo hướng đa dạng sản phẩm cung cấp cho hành khách, để người dân được hưởng nhiều loại dịch vụ.
Thực tế, với thị trường hàng không Việt Nam hiện nay đang có sự tham gia của nhiều hãng tư nhân, việc điều chỉnh giá cần phải theo cơ chế thị trường. Khung pháp luật đã có quy định vấn đề này thì cần vận dụng và thực hiện theo đúng quy định. Mục tiêu điều chỉnh giá trần, giá sàn (khung giá dịch vụ vé máy bay) là giúp các hãng hàng không cung cấp thêm nhiều sản phẩm dịch vụ cho các đối tượng thu nhập khác nhau, chứ không phải là tăng giá. Chẳng hạn, hành khách chọn bay giờ đẹp, loại máy bay hiện đại với nhiều dịch vụ hơn thì phải chấp nhận giá vé cao hơn. Nếu chọn giờ bay thấp, loại máy bay ít hiện đại hơn thì giá sẽ rẻ hơn.
Vẫn biết các hãng hàng không đang gặp nhiều khó khăn, thậm chí khó trụ vững trong bối cảnh dịch COVID-19 kéo dài và việc hỗ trợ các hãng là cần thiết, nhưng rõ ràng các cơ quan quản lý Nhà nước như Bộ GTVT, Bộ Tài chính... cần có những giải pháp phù hợp, không nên để người dân và ngành du lịch phải chịu thêm gánh nặng. Vì Nhà nước cũng đang có những chính sách hỗ trợ cho ngành Hàng không như giảm 30% thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nhiên liệu bay từ giữa năm 2020 đến hết năm 2021.
Đại diện lãnh đạo Vietjet, Bamboo Airways chia sẻ: Để tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng trong ngành Hàng không cần sự quyết liệt, hiệu quả bằng chính sách thống nhất xuyên suốt từ Chính phủ, tới bộ, ngành, địa phương và mong muốn Chính phủ kiến tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các khu vực kinh tế, giữa các doanh nghiệp với nhau, nhất là trong việc tiếp cận các khoản vay ưu đãi, không phân biệt doanh nghiệp Nhà nước hay doanh nghiệp tư nhân.