Giá vàng châu Á hướng tới mức giảm hàng tuần lớn nhất kể từ đầu tháng 6/2024

Giá vàng châu Á giảm trong phiên giao dịch cuối tuần 9/8, hướng tới một tuần giao dịch ảm đạm, giữa bối cảnh các nhà đầu tư chờ đợi thêm tín hiệu để đánh giá quy mô cắt giảm lãi suất của Mỹ vào tháng 9/2024.

Chú thích ảnh
Vàng miếng được bày bán tại Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: AFP/TTXVN

Cụ thể, giá vàng giao ngay đã giảm 0,2% xuống 2.420,88 USD/ounce, sau khi tăng hơn 1% vào phiên trước. Giá vàng đang trên đà ghi nhận mức giảm hàng tuần lớn nhất kể từ ngày 7/6. Giá vàng giao ngay đã giảm tới 3% vào phiên đầu tuần (5/8) sau khi chứng kiến đợt bán tháo cổ phiếu trên diện rộng. Trong khi đó, giá vàng giao kỳ hạn của Mỹ giảm 0,1%, xuống 2.460,10 USD/ounce.

Ông Tim Waterer, Giám đốc phân tích thị trường của KCM Trade, cho biết: “Diễn biến của giá vàng phiên này tương đối ổn định, khi các nhà đầu tư tạm nghỉ sau một tuần thăng trầm”.

Các nhà hoạch định chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tin rằng lạm phát hạ nhiệt sẽ cho phép ngân hàng này cắt giảm lãi suất. Và điều này được dẫn dắt bởi dữ liệu kinh tế chứ không phải do bất ổn trên thị trường chứng khoán. Ông Waterer nói: “Về cơ bản, vàng sẵn sàng được hưởng lợi từ tâm lý lo ngại rủi ro gia tăng hoặc từ kỳ vọng về các điều kiện tiền tệ nới lỏng hơn. Có nhiều kịch bản có thể diễn ra trong những tháng tới, có thể đẩy giá vàng lên mức cao mới mọi thời đại".

Theo CME FedWatch Tool, thị trường đánh cược 55% khả năng Fed cắt giảm 0,50 điểm phần trăm lãi suất vào tháng Chín tới, với mức cắt giảm bổ sung dự kiến vào tháng 12.

Thị trường đang dồn sự chú ý vào chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và chỉ số giá sản xuất (PPI) của Mỹ, dự kiến được công bố trong tuần tới để nắm rõ hơn định hướng chính sách của Fed.

Nhu cầu vàng vật chất ở Ấn Độ tăng nhẹ trong tuần này do giá điều chỉnh, mặc dù biến động của thị trường khiến một số người trì hoãn việc mua hàng, trong khi phí bảo hiểm vàng ở Trung Quốc tăng.

Tại thị trường trong nước, chiều ngày 9/8, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn công bố giá bán vàng miếng SJC ở mức 76,50 - 78,52 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Giá dầu châu Á đi lên

Chú thích ảnh
Vòi bơm dầu tại một cây xăng ở Tehran, Iran. Ảnh: IRNA/TTXVN

Giá dầu tại thị trường châu Á đi lên trong phiên giao dịch 9/8, hướng tới mức tăng hơn 3% cả tuần, khi dữ liệu việc làm của Mỹ làm dịu đi những lo ngại về nhu cầu tiêu thụ. Trong khi đó, quan ngại về một cuộc xung đột mở rộng ở Trung Đông vẫn tiếp diễn giúp nâng đỡ giá "vàng đen".

Giá dầu thô Brent giao kỳ hạn tăng 2 xu Mỹ, tương đương 0,03%, lên 79,18 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ (WTI) của Mỹ tăng 10 xu Mỹ, lên mức 76,29 USD/thùng. Cả dầu Brent và dầu WTI được dự báo tăng hơn 3% cho cả tuần.

Nhà phân tích thị trường độc lập Tina Teng cho biết: “Tâm lý rủi ro đã phục hồi sau sự biến động của thị trường trong phiên giao dịch 9/8 tại châu Á, với dữ liệu lạm phát mới nhất của Trung Quốc đưa ra những tín hiệu tích cực về nền kinh tế lớn thứ hai thế giới”.

Giá tiêu dùng tại Trung Quốc trong tháng 7/2024 tăng nhanh hơn dự kiến, còn giá của nhà sản xuất vẫn tiếp tục giảm, khi nước này tăng cường hỗ trợ lĩnh vực tiêu dùng hiện đang yếu. Theo số liệu của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS), chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước này trong tháng 7/2024 tăng 0,5% so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi tăng 0,2% trong tháng 6/2024, trong khi các nhà kinh tế tham gia một khảo sát của Reuters dự báo tăng 0,3%.

Trong khi đó, tâm lý của các nhà đầu tư tại Mỹ đã phấn chấn hơn sau khi dữ liệu cho thấy số người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp mới giảm nhiều hơn dự kiến vào tuần trước, cho thấy lo ngại rằng thị trường lao động đang suy thoái đã bị thổi phồng quá mức và làm giảm bớt lo ngại về suy thoái kinh tế.

Tuy nhiên, đồng USD mạnh hơn trong phiên này hơn có xu hướng hạn chế đà tăng của giá dầu, bởi nó khiến giá dầu, vốn thô được định giá bằng đồng USD, trở nên đắt đỏ hơn đối với những nhà đầu tư nắm giữ các loại tiền tệ khác.

Nhà phân tích Daniel Hynes của ANZ cho biết: “Giá dầu thô tiếp tục phục hồi sau đợt lao dốc gần đây do rủi ro địa chính trị gia tăng trở thành tâm điểm”.

Thêm vào đó, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Libya đã tuyên bố tình trạng bất khả kháng tại mỏ dầu Sharara từ ngày 7/8 cũng giúp dầu tăng giá. Tập đoàn này cho biết họ đã giảm dần sản lượng của mỏ này vì các cuộc biểu tình.

Lo ngại về kinh tế Mỹ dịu xuống hỗ trợ thị trường chứng khoán

Chú thích ảnh
Bảng tỉ giá chứng khoán tại thủ đô Tokyo, Nhật Bản. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Chứng khoán châu Á tăng điểm trong phiên giao dịch cuối tuần 9/8, sau khi chứng kiến đà tăng của Phố Wall trong phiên giao dịch trước đó nhờ báo cáo tốt hơn mong đợi về tỷ lệ thất nghiệp làm giảm bớt lo lắng về nền kinh tế đang giảm tốc.                                     
                                    
Tại Tokyo, chỉ số Nikkei 225 đóng cửa tăng 0,6%, lên 35.025 điểm. Đồng yen đã xóa sạch mức giảm vào đầu phiên giao dịch này và kéo dài chuỗi tăng sang phiên thứ tư liên tiếp so với đồng USD, khiến chứng khoán Nhật Bản sau đó mất đà vì thị trường chứng khoán thường biến động ngược chiều so với đồng yen.

Đầu tuần này, dữ liệu việc làm yếu hơn dự kiến từ Mỹ đã làm dấy lên mối lo ngại về nguy cơ nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại, giữa bối cảnh Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giữ lãi suất cao nhằm kiềm chế lạm phát dai dẳng. Điều này tạo nên một đợt bán tháo trên thị trường toàn cầu.

Tại Hàn Quốc, thị trường chứng khoán Seoul tăng hơn 1% khi tâm lý nhà đầu tư được thúc đẩy nhờ dữ liệu thất nghiệp tốt hơn mong đợi của Mỹ, xoa dịu nỗi lo suy thoái kinh tế  vốn đã làm rung chuyển thị trường tài chính toàn cầu trong thời gian gần đây. Kết phiên, chỉ số Kospi tăng 1,2%, lên mức 2.588,43 điểm.

Tuy nhiên, tại Trung Quốc, hai sàn giao dịch chứng khoán chủ chốt là Thượng Hải và Hong Kong lại biến động ngược chiều. Chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải chốt phiên giảm 0.27%, xuống 2.862,19 điểm, ngay cả sau khi dữ liệu cho thấy giá tiêu dùng của ước này tăng nhanh hơn dự kiến trong tháng Bảy, do các nhà phân tích nhấn mạnh rằng nhu cầu vẫn chậm chạp. Trong khi đó, chỉ số Hang Seng của Hong Kong tăng 198,40 điểm (1,17%), lên 17.090,23 điểm, nhờ sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu năng lượng và công nghệ.

Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ cũng tăng trong phiên này, báo hiệu rằng các nhà đầu tư đang cảm thấy bình tĩnh hơn về nền kinh tế sau báo cáo về lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu vào tuần trước ít hơn dự kiến.

Tại thị trường Việt Nam, kết thúc phiên 9/8, chỉ số VN-Index tăng 15,32 điểm (1,27%) lên 1.223,64 điểm, còn chỉ số HNX-Index tăng 2,65 điểm (1,17%), lên 229, điểm.

Minh Trang (TTXVN)
Giá vàng nhẫn sáng 9/8 tăng cùng với thế giới
Giá vàng nhẫn sáng 9/8 tăng cùng với thế giới

Trong khi giá vàng thế giới tăng nhờ triển vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất thì sáng nay 9/8 giá vàng miếng SJC trong nước vẫn giữ ổn định. Tuy nhiên, giá vàng nhẫn tăng cả ở hai chiều.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN