Trong phiên giao dịch ngày 6/4, giá vàng thế giới đã được đẩy lên mức cao nhất trong 7 tuần và ghi dấu phiên tăng thứ hai liên tiếp, trong bối cảnh báo cáo đáng thất vọng về thị trường lao động Mỹ làm gia tăng đồn đoán Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể trì hoãn việc tăng lãi suất.Chốt phiên này, giá vàng giao tháng 6/2015 tại Sàn giao dịch kim loại New York (COMEX) tăng 17,70 USD (1,5%) lên 1.218,60 USD/ounce. Trong khi đó, giá vàng giao ngay có thời điểm vọt lên 1.224,10 USD/ounce, mức cao nhất kể từ ngày 17/2.
Bộ Lao động Mỹ cho biết số lao động có việc làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp tại nước này chỉ tăng 126.000 người trong tháng 3/2015, chưa bằng một nửa mức tăng trong tháng 2/2015 và là mức tăng thấp nhất kể từ tháng 12/2013. Các nhà giao dịch cho biết số liệu mới này đã đẩy đồng USD đi xuống và tạo đà tăng cho giá vàng.
Theo Mizuho Bank, báo cáo mới đây về thị trường lao động Mỹ sẽ khiến FED trì hoãn quyết định tăng lãi suất. Chiến lược gia Eli Tesfaye, thuộc RJO Futures, tại Chicago, cũng nhận định các nhà đầu tư đang đẩy lùi dự báo thời điểm FED tăng lãi suất tới tháng 9 hoặc cuối năm nay.
Tương tự, giá dầu thô tại thị trường Mỹ và thế giới trong ngày 6/4 đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 7 tuần qua. Nguyên nhân chủ yếu là mối lo nguồn cung dư thừa hơn nữa do lệnh cấm vận Iran có thể được dỡ bỏ không diễn ra sớm.
Cụ thể, giá dầu thô ngọt nhẹ Brent Biển Bắc, giao tháng 5, trong ngày tăng 3,17 USD, tương đương 5,8%, lên 58,12 USD/thùng. Đây là mức giá cao nhất của loại dầu thô này kể từ ngày 3/2/2015. Trong khi đó, giá dầu thô WTI của Mỹ giao cùng thời điểm cũng tăng 3,0 USD, tương đương 6,1%, lên 52,14 USD/thùng, mức giá cao nhất kể từ ngày 17/2/2015.
Ông Bob Shiring, chuyên gia phân tích thuộc công ty năng lượng Tradition Energy, cho biết lý do các nhà đầu tư ngày 6/4 đổ thêm tiền vào ngành năng lượng, khiến giá dầu thô tăng, là do khả năng Iran được phép nối lại xuất khẩu dầu thô không diễn ra sớm, do vậy nguồn cung không bị dư thừa hơn.
Nguyên nhân thứ hai là do nhu cầu tiêu thụ năng lượng của các nền kinh tế châu Á dự báo sẽ gia tăng. Số lượng giàn khoan của Mỹ tiếp tục giảm thêm 11 chiếc trong tuần trước, xuống còn 802 chiếc, cũng là nguyên nhân làm tăng giá dầu. Đây là tuần thứ 17 liên tiếp số lượng các giàn khoan của Mỹ bị giảm do phải tạm ngừng hoạt động.
Giới chuyên gia nhận định, cho dù vào tháng 6 tới, nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc cùng với Đức) có thể đạt được thỏa thuận cuối cùng liên quan tới chương trình hạt nhân của Iran thì cũng phải chờ tới năm 2016 việc bãi bỏ cấm vận xuất khẩu dầu của Tehran mới được thực hiện.
Trong trường hợp các biện pháp cấm vận được bãi bỏ, xuất khẩu dầu của Iran có thể tăng thêm từ 500.000 - 700.000 thùng/ngày. Hiện Iran chỉ được phép xuất khẩu khoảng 1 triệu thùng/ngày so với mức 2,5 triệu trước khi lệnh cấm vận được áp đặt.
TTXVN/Tin tức