Ngày 26/10, tại Hà Nội, giá vàng trong nước đã đắt thêm 1 triệu đồng/lượng sau khi giá vàng quốc tế vượt qua ngưỡng 1.700 USD/ounce. Theo một số doanh nghiệp kinh doanh vàng, việc giá vàng tăng mạnh đã khiến lượng khách bán vàng tăng và áp đảo lượng mua.
Theo Công ty Vàng bạc đá quý Bảo Tín - Minh Châu, lượng khách đến bán vàng tại doanh nghiệp này cuối ngày hôm qua (26/10) đã tăng lên 70% thay vì 50% của ngày hôm trước.
Mở cửa thị trường giao dịch ngày 26/10, các doanh nghiệp kinh doanh vàng đã đồng loạt niêm yết giá bán ra trên 45 triệu đồng/lượng, tăng thêm hơn 1 triệu đồng/lượng so với cuối ngày 25/10. Tuy nhiên, đến đầu giờ chiều, dù giá vàng thế giới vẫn trong xu hướng tăng nhưng vàng trong nước lại giảm nhẹ so với buổi sáng, tuột mốc 45 triệu đồng/lượng.
Cuối ngày, vàng Rồng Thăng Long của Công ty Vàng bạc đá quý Bảo Tín - Minh Châu niêm yết tại thị trường Hà Nội ở mức 44,57-44,92 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Vàng SJC cũng được giao dịch tại mức 44,6 triệu đồng/lượng ở chiều thu mua và bán ra là 44,9 triệu đồng/lượng, tăng gần 1 triệu đồng/lượng so với cuối ngày 25/10.
Kết thúc phiên 26/10 tại Hồng Công, giá vàng tăng vọt tới hơn 58 USD/ounce, lên 1.718,15 USD/ounce. Lúc 22 giờ 30 (giờ Việt Nam) tại New York, giá vàng tăng 16,6 USD so với phiên 25/10, lên 1.717 USD/ounce (tương đương 43,39 triệu đồng/lượng).
Các nhà phân tích tại sàn giao dịch TheBullionDesk.com ở Luân Đôn (Anh) nhận định: "Vấn đề nợ công khó có thể giải quyết dễ dàng cho dù các lãnh đạo châu Âu có đưa ra được chính sách gì đi chăng nữa. Trước tình hình bất ổn đó, chúng ta không ngạc nhiên khi vàng lại trở thành nơi trú ẩn an toàn hấp dẫn".
Việc các nhà đầu tư tăng cường mua vàng đã cho thấy giới đầu tư tỏ ra hoài nghi về khả năng hội nghị thượng đỉnh của Liên minh châu Âu (EU) ngày 27/10 (giờ VN) sẽ đạt được một giải pháp cho cuộc khủng hoảng nợ ở khu vực. Trước đó, cuộc họp của các bộ trưởng tài chính EU dự kiến diễn ra trước hội nghị thượng đỉnh đã bị hủy, khiến thị trường càng thêm lo ngại.
MP-MĐ