Để tìm hiểu rõ hơn, Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm xung quanh vấn đề này.
P/v: Xin ông cho biết, giá xăng dầu, giá điện vừa được điều chỉnh tăng sẽ ảnh hưởng đến chỉ số giá CPI trong tháng 3? Và dự báo CPI sẽ tăng ở mức nào trong tháng?
Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm: Giá xăng dầu được điều chỉnh vào 15h ngày 11/3/2015, mỗi lít xăng tăng 1.600đ/lít (tăng 10,27%), cùng với giá điện tăng 7,5% từ ngày 16/3/2015, việc điều chỉnh tăng giá điện có độ trễ và sẽ ảnh hưởng vào chỉ số CPI của tháng 4 và các tháng tiếp theo. Vì vậy Tổng cục Thống kê dự báo CPI tháng 3 sẽ có mức tăng nhẹ.
P/v: Theo như dự báo, sức mua không có nhiều biến động, giá cả các mặt hàng tương đối ổn định… Ông nhận định thế nào về sức mua trong thời gian tới?
Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm: Hai tháng đầu năm 2015 cho thấy giá cả các mặt hàng thiết yếu trên thế giới và trong nước khá ổn định một phần nhờ nguồn cung tương đối dồi dào, bên cạnh đó trong thời gian tới cũng không có nhiều lễ hội, Tổng cục Thống kê nhận định sức mua sẽ không có nhiều biến động.
P/v: Với việc chỉ số giá tiêu dùng giảm trong những tháng đầu năm, không giống như quy luật những năm trước. Đây, có phải là tín hiệu cho thấy vấn đề lạm phát sẽ được kiểm soát ở mức thấp trong năm nay?
Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm: CPI hai tháng đầu năm 2015 giảm chủ yếu do giá xăng, dầu được điều chỉnh giảm giá vào ngày 22/12/2014 và 06/01/2015; 21/01/2015 (chung 3 đợt, giá xăng giảm tới 4.260 đ/lít, giá dầu diezel giảm 3.240 đ/lít, giá dầu hỏa giảm 3.360 đ/lít) nên chỉ số giá nhóm giao thông hai tháng đầu năm giảm 8,2% đóng góp 0,73% vào mức giảm chung của CPI so với cuối năm 2014.
Xăng, dầu chỉ là một nhóm mặt hàng tác động vào CPI, lạm phát của nền kinh tế phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: yếu tố Cung- Cầu; yếu tố giá cả của một số mặt hàng nước ta nhập khẩu; biến động chính trị thế giới và khu vực; yếu tố tiền tệ; kỳ vọng lạm phát..., vì vậy riêng yếu tố xăng dầu chưa thể nói lạm phát năm 2015 sẽ được kiểm soát thấp. Tuy vậy, Chính phủ thực hiện chính sách kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đã được Quốc hội thông qua nên Chính phủ sẽ có những giải pháp để thực hiện mục tiêu này.
P/v: Theo ông, CPI thấp có phải là tiền đề để Chính phủ điều chỉnh giá một số mặt hàng thiết yếu theo lộ trình đã chuẩn bị lâu nay (như điện, học phí, dịch vụ y tế), để vừa tăng giá theo hướng thị trường vừa đạt mục đạt mục tiêu lạm phát năm nay dưới 5%?
Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm: Chính phủ chỉ đạo vận hành nền kinh tế theo quy luật thị trường và đã xây dựng lộ trình điều chỉnh giá các mặt hàng thiết yếu như điện, học phí, dịch vụ y tế trong điều kiện thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát 5%. Hiện nay chỉ số CPI đang ở mức thấp là một yếu tố để Chính phủ điều chỉnh giá một số mặt hàng thiết yếu sát với giá thị trường đồng thời vẫn đạt được mục tiêu kiểm soát lạm phát.
P/v: Với diễn biến giá cả thời gian qua, Tổng cục Thống kê có tham vấn gì với Chính phủ trong điều hành giá?
Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm: Năm nay, yếu tố chi phí đẩy tiếp tục giữ lạm phát ở mức thấp, tuy vậy những rủi ro tiềm ẩn về giá xăng dầu khi tăng trở lại là áp lực cho công tác kiểm soát lạm phát. Vì vậy, Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo các Bộ Tài chính, Bộ Công Thương theo dõi sát diễn biến giá cả, thị trường nhất là các mặt hàng thiết yếu, đồng thời tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường; kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định pháp luật hiện hành trong kinh doanh xăng dầu, nhất là đối với hệ thống tổng đại lý, đại lý.
Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các Bộ, ngành có liên quan phải phối hợp tốt và hiệu quả trong đề xuất các chính sách liên quan tới lạm phát. Tiếp tục phối hợp xây dựng các kịch bản chính sách, đánh giá tác động của các kịch bản như thời gian vừa qua trước khi thực hiện. Bên cạnh đó, thời điểm điều chỉnh giá các mặt hàng thiết yếu cũng rất quan trọng để tránh gây tác động lan tỏa về mặt tâm lý lên CPI.
P/v: Xin chân thành cám ơn ông!
Thúy Hiền (thực hiện)