Doanh nghiệp sản xuất xi măng là một trong những hộ tiêu thụ lớn của ngành điện nên chịu nhiều tác động khi EVN tăng giá bán điện. Theo tính toán, chi phí tiền điện chiếm trên 10% chi phí sản xuất xi măng.
Thời gian qua, nhiều nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất xi măng đều tăng khiến các doanh nghiệp của ngành này gặp khó. Thậm chí, năm 2018, sản lượng than không đủ đáp ứng nhu cầu trong nước đã khiến nhiều doanh nghiệp xi măng phải nhập khẩu than với giá cao. Giá than đầu vào cũng dự kiến tăng từ 2,3% - 5,8%.
Chi phí phục vụ sản xuất tăng cao nên các doanh nghiệp xi măng phải điều chỉnh tăng giá để bù đắp nhằm đảm bảo hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Đơn cử như ngày 20/3, Công ty cổ phần xi măng Sông Lam (Tập đoàn xi măng Vissai) phát đi thông báo gửi các khách hàng về việc điều chỉnh tăng giá bán sản phẩm xi măng bao, rời. Doanh nghiệp này viện dẫn, do chi phí nguyên liệu đầu vào sản xuất xi măng đồng loạt tăng giá nên để đảm bảo hiệu quả sản xuất kinh doanh, cũng như giữ vững và nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, mức điều chỉnh giá bán tăng đối với xi măng bao từ 50.000 đồng/tấn và xi măng rời tăng 40.000 đồng/tấn, áp dụng từ ngày 1/4/2019.
Cùng đó, hàng loạt các đơn vị khác cũng có thông báo điều chỉnh tăng giá bán với mặt hàng xi măng rời và bao như: Vicem Hoàng Thạch tăng từ 20.000 - 50.000 đồng/tấn; Vicem Hạ Long từ 20.000 - 30.000 đồng/tấn; Vicem Hà Tiên, Vicem Bỉm Sơn, Vicem Nghi Sơn, Cẩm Phả cùng tăng 30.000 đồng/tấn…
Một số doanh nghiệp như Vissai Ninh Bình, Xi măng Sông Lam, Xi măng Đồng Lâm, Xi măng Công Thanh… cũng sẽ điều chỉnh giá bán xi măng bắt đầu từ ngày 1/4/2019.
Điều này cho thấy, các đơn vị từ doanh nghiệp nhà nước, tư nhân phải tăng giá bán trước áp lực từ việc đồng loạt tăng giá điện, than, cùng một vài nguyên liệu đầu vào khác…
Ông Hoàng Anh Đức, Tổng giám đốc Vicem Hạ Long chia sẻ, điện chiếm 13% giá thành sản xuất tại đơn vị này. Bình quân Vicem Hạ Long sử dụng 60 - 61 kwh/tấn xi măng. Với giá điện cũ 1.500 đồng/kwh, giá thành điện sản xuất bình quân cho mối tấn clinker khoảng 90.000 đồng. Nếu áp giá mới, sản xuất clinker đội thêm khoảng 7.500 đồng/tấn và xi măng tăng thêm khoảng 20.000 đồng/tấn.
Để giảm bớt áp lực từ việc tăng giá điện, Vicem Hạ Long chọn giải pháp rà soát lại dây chuyền sản xuất nhằm tối ưu hóa tiêu thụ điện năng. Ban quản lý năng lượng của Vicem Hạ Long giám sát để hạn chế tối đa điện chiếu sáng; rà soát toàn bộ điểm tiêu tốn năng lượng gồm máy chính và máy lớn - nơi tiêu thụ điện năng cao để hạn chế chạy vào giờ cao điểm.
Theo Tổng giám đốc Hoàng Anh Đức, giá điện hiện ban hành theo 3 khung giờ: bình thường, thấp điểm và cao điểm. Giờ thấp điểm chi phí chỉ bằng 1/3 giá giờ cao điểm. Do đó, Vicem Hạ Long sẽ tăng cường chạy máy móc thiết bị vào giờ thấp điểm; hạn chế tối đa việc chạy thiết bị vào giờ cao điểm.
Đơn cử như việc bốc dỡ, giao hàng trước đây thường ít thực hiện vào ban đêm. Tuy nhiên, bây giờ doanh nghiệp sẽ có cơ chế khuyến khích khách hàng nhận hàng vào ban đêm vì hệ thống băng tải, nâng - bốc chuyển hàng sẽ hoạt động vào giờ thấp điểm.
Đặc biệt, Ông Đức cho hay, nằm trong chỉ đạo chung của Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem), thời gian tới, Vicem Hạ Long sẽ tham gia hội thảo và triển khai đầu tư đồng loạt hệ thống tận dụng nhiệt dư để phát điện.
Nếu áp dụng, hệ thống này sẽ giải quyết được khoảng 1/3 lượng điện cấp lại cho dây chuyền sản xuất. Hiện vấn đề này rất cấp bách và được Chính phủ chỉ đạo quyết liệt thực hiện. Đáng chú ý, với các vấn đề cấp bách về năng lượng và phát thải CO2, hiện nhiều tổ chức phi Chính phủ sẽ tài trợ vốn ưu đãi với lãi suất thấp, tạo thuận lợi để doanh nghiệp triển khai - ông Đức chia sẻ.