Khơi thông vốn để tạo động lực tăng trưởng
Tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực, COVID-19 cơ bản được kiểm soát, kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm. Trong 5 tháng đầu năm, thu ngân sách tăng 18,7 %; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 15,6%; số doanh nghiệp thành lập mới tăng 12,9%... Tổ chức S&P (công ty dịch vụ tài chính có trụ sở tại Hoa Kỳ) đã nâng hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam lên mức BB+. Niềm tin của người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư không ngừng được củng cố và tăng cường.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cho biết: “Tín hiệu kinh tế được đưa ra từ những tháng đầu năm, quá trình hồi phục kinh tế đang diễn ra khá mạnh mẽ. Các tổ chức kinh tế nhìn vào động thái của nền kinh tế Việt Nam cũng đưa các các dự báo tương đối khách quan, có thể thấy rằng, Việt Nam có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6 - 6,5% trong năm nay, thậm chí còn cao hơn”.
Tuy nhiên trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến nhanh, khó lường; kinh tế thế giới tiếp tục phục hồi nhưng lực cản và rủi ro tiềm ẩn gia tăng. Cạnh tranh kinh tế, chính trị, quân sự giữa các nước diễn biến phức tạp, đặc biệt chiến sự ở Ukraine vẫn kéo dài, khó đoán định. Rủi ro lạm phát gia tăng, giá cả nguyên vật liệu, đầu vào tăng cao, đặc biệt giá dầu; các vấn đề về an ninh phi truyền thống, an ninh lương thực, biến đổi khí hậu… diễn biến phức tạp. Điều này đã tác động không nhỏ tới nền kinh tế Việt Nam.
Chính vì vậy, nhiều chuyên gia kinh tế cho biết: Tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công vừa giải quyết các nút thắt, vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, vừa phát triển đột phá chiến lược về hạ tầng.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), thực trạng giải ngân vốn đầu tư công trong 5 tháng qua thấp. Số liệu giải ngân tính đến ngày 31/5 ghi nhận tổng giá trị thanh toán là 115.900 tỷ đồng, bằng 22% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
“Nguyên nhân chủ quan chính dẫn đến việc giải ngân vốn diễn ra ì ạch trong 5 tháng qua là tinh thần, trách nhiệm của chủ đầu tư và các cấp chưa thật được quan tâm và chưa quyết liệt, sâu sát. Trong cùng một điều kiện, một thể chế như nhau song nhiều địa phương thực hiện giải ngân cao nhờ có nhiều mô hình hay và cách làm tốt. Do vậy, vấn đề ở đây là có những địa phương còn chưa quan tâm, chỉ đạo chưa tốt cũng như công tác tổ chức thực hiện còn nhiều hạn chế và việc lập, chuẩn bị dự án, kế hoạch vốn còn chưa sát”, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết.
Trong cuộc họp với Tổ công tác số 5 của Thủ tướng Chính phủ, ông Trương Quốc Huy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam lý giải: Giải ngân chậm vì 2022 là năm đầu tiên triển khai dự án nhiệm vụ mới, nên thủ tục lâu. Riêng đấu thầu đã mất 30 ngày, mỗi bước quy trình khác mất tới 30 - 35 ngày. Chưa kể, giá nguyên vật liệu xây dựng tăng cao, nhất là xi măng, sắt thép nên các nhà thầu có xu hướng triển khai cầm chừng, đợi để được bù giá.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, để giải quyết vấn đề giải ngân vốn đầu tư công, không thể chỉ quan tâm giải quyết trước mắt, mà phải giải quyết căn cơ, lâu dài, thông qua việc tiếp tục hoàn thiện thể chế và thay đổi cách tiếp cận quản lý, sử dụng nguồn vốn đầu tư công, làm sao phù hợp và theo kịp yêu cầu phát triển.
Đề cập về tình hình giải ngân, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc thẳng thắn cho rằng: Tiến độ quá chậm so với yêu cầu, mục tiêu của lãnh đạo Chính phủ giao từ đầu năm. Đó là chưa cộng đến các chỉ tiêu khác như: Nguồn thu vượt ngân sách; Chương trình kích cầu, Chương trình mục tiêu Quốc gia; tỷ lệ tương đối số giải ngân còn thấp hơn. Về bối cảnh hiện nay, lạm phát thế giới tăng, giá cả trong nước tăng, tăng giá xăng dầu, thép, vật liệu xây dựng, nhân công… cần có giải pháp phù hợp.
Lãnh đạo Bộ Tài chính dẫn chứng trường hợp có nhà thầu hoạt động cầm chừng vì giá lên nhưng thực tế làm càng chậm, chi phí càng tăng, thì càng lỗ. Thậm chí dẫn tới hệ lụy doanh nghiệp gặp khó khăn, mất năng lực tài chính. Điều này dẫn tới rủi ro mới về thu hồi vốn vì số tiền Nhà nước ứng cho doanh nghiệp lại không thu hồi được.
“Do đó, các đơn vị cần đẩy mạnh phối hợp, động viên các doanh nghiệp thi công nhanh; cần tập trung tháo gỡ cho doanh nghiệp để đẩy nhanh tiến độ dự án, nhanh chóng hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả, chống lạm phát”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết.
Tháo gỡ vướng mắc trong thủ tục đầu tư
Lãnh đạo Bộ Tài chính nhận định: Thủ tục đầu tư hiện đã bộc lộ những điểm rườm rà, tạo nút thắt khi triển khai. Trong Luật Đầu tư công gộp nhiều hạng mục khiến việc chậm diễn ra ở nhiều khâu, tác động lẫn nhau gây chậm trễ chung. Trong đó, nút thắt về đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB) cần sớm tháo gỡ. Do khâu chuẩn bị mất khá nhiều thời gian, các đơn vị chủ động sáng tạo, cần phải đi trước một bước, bảo đảm khi đấu thầu xong đã hoàn tất các khâu chuẩn bị, bao gồm cả mặt bằng để triển khai dự án đầu tư nhanh chóng.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đề nghị lãnh đạo các địa phương phải phân công rõ, cử lãnh đạo tỉnh (ví dụ cấp phó) đôn đốc các sở, ngành thường xuyên giải quyết vướng mắc nhanh ngay tại hiện trường. Không để tồn tại tâm lý sợ trách nhiệm, đùn đẩy công việc, nêu cao trách nhiệm người đứng đầu.
Về GPMB chậm, lãnh đạo Bộ Tài chính cho rằng, đây là điểm nghẽn kéo dài, do nhiều nguyên nhân như nguồn gốc đất, xung đột về giá đền bù. Các nội dung về hệ số đền bù trong thẩm quyền UBND tỉnh cần áp dụng theo luật, cũng như thỏa thuận (tuỳ theo tính chất dự án) để tháo gỡ khó khăn.
Theo TS Trần Toàn Thắng, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội Quốc gia, Bộ KH&ĐT, trong thời gian còn lại của năm 2022, nhiều yếu tố sẽ hỗ trợ tích cực cho quá trình phục hồi và tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, Việt Nam cần đặc biệt chú ý về nguy cơ nhập khẩu lạm phát từ bên ngoài. Lạm phát thấp hiện ở trong nước một phần vì cầu tiêu dùng thấp. Đặc biệt, cần nghiên cứu kịch bản tiếp tục giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối phó trường hợp giá xăng dầu khi giá thế giới biến động lớn, cũng như hoãn/giãn việc tăng các sắc thuế/phí nhằm bình ổn giá các mặt hàng tiêu dùng khác.
“Chúng ta cũng cần tập trung vào xây dựng các thể chế và chính sách hỗ trợ thúc đẩy đầu tư và liên kết đầu tư giữa các thành phần kinh tế, giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI); cải thiện năng lực nội tại, nhất là mặt bằng và lao động kỹ năng cần được đặc biệt chú ý trong thời gian tới”, TS Trần Toàn Thắng cho biết.
Bên cạnh đó, cần quyết liệt và nhanh hơn các gói kích thích kinh tế đã được thông qua trong Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ, bên cạnh gói đầu tư cơ sở hạ tầng thì các gói cho vay hỗ trợ lãi suất, hỗ trợ xây nhà ở xã hội cho người lao động, các biện pháp miễn giảm thuế/phí cho nhóm đối tượng cụ thể, cần được đẩy mạnh hơn nữa.