Chú trọng mô hình có tính bền vững
Trên cơ sở kết quả các mô hình và điều kiện cụ thể của địa phương để xác định các công thức luân canh giữa lúa và các cây trồng khác, đảm bảo hiệu quả kinh tế cao nhất, chỉ hướng dẫn nông dân chuyển đổi cây trồng khi nắm vững được thị trường tiêu thụ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng được trên 9.000 ha mô hình cây trồng kết hợp với mô hình liên kết tiêu thụ sản phẩm, sản xuất hàng hóa và dịch vụ. Hiệu quả kinh tế các mô hình cơ bản được đánh giá tăng từ 10 - 20% so với ngoài mô hình. Nhiều mô hình có tính bền vững và có khả năng nhân rộng.
Về cây lúa, các mô hình thâm canh lúa và sản xuất lúa gạo chất lượng, áp dụng kỹ thuật 3 giảm 3 tăng, kỹ thuật SRI, cơ giới hóa đồng bộ sử dụng máy làm đất, máy cấy, gieo sạ đã được thực hiện ở Đồng bằng sông Cửu Long, đạt hiệu quả kinh tế cao hơn từ 4,5 - 5 triệu đồng/ha, nhờ giảm chi phí giống khoảng 15%, giảm số lượng bón phân đạm khoảng 7%, thuốc bảo vệ thực vật khoảng 10%. Ngoài ra, các mô hình gieo sạ mức 80 kg/ha và lúa cấy 30 - 50 kg/ha cũng đang được thực hiện.
Về cây công nghiệp, cây ăn quả và cây trồng lâu năm, mô hình cây ăn quả (cam, vải, nhãn, xoài), mô hình trồng mới cam và ghép cải tạo nhãn, mô hình canh tác bền vững theo tiêu chuẩn an toàn đạt tiêu chuẩn xuất khẩu tới các thị trường châu Âu và Mỹ đối với cây xoài, nhãn, đã được thực hiện trong thực tế. Hai mô hình ủ chua thân bắp (ngô) quy mô 120 tấn; trồng cỏ thâm canh quy mô 30 ha và hai mô hình rơm ủ u rê quy mô 120 tấn đã được chuyển giao cho các tỉnh ngập mặn. Hơn 90.000 con vịt biển 15 - Đại Xuyên, vịt PT được chuyển giao cho các tỉnh ven biển và Đồng bằng sông Cửu Long, với năng suất trứng bình quân đạt 275 quả/mái/năm đẻ; tỷ lệ phôi đạt 93%; tỷ lệ nở/phôi đạt 85%...
Các mô hình, dự án triển khai có nhiều thuận lợi ở chỗ người nông dân đã tiếp cận được các tiến bộ kỹ thuật về chăn nuôi, trồng cỏ thâm canh, ủ thức ăn thô xanh phục vụ gia súc. Tuy nhiên, việc triển khai mô hình không thể làm đồng bộ được, đặc biệt là mô hình trồng cỏ thâm canh, do nắng nóng và ngập mặn. Trong chăn nuôi, thức ăn là yếu tố quan trọng, chiếm trên 60% trong cơ cấu giá thành sản phẩm. Nhưng Đồng bằng sông Cửu Long có khoảng 320.000 ha đất nhiễm mặn (năm bình thường), khoảng 744.000 ha đất nhiễm mặn (năm hạn hán), chiếm tới 18,9% tổng diện tích. Như vậy, diện tích đất trồng cây nông nghiệp giảm, sản lượng cây trồng giảm, kéo theo thiếu nguồn thức ăn cho gia súc, gia cầm. Đồng thời, diện tích đồng cỏ cho chăn nuôi cũng bị giảm. Một số giống cỏ cũng bị mất đi do không thích nghi với vùng đất nhiễm mặn. Nguồn thức ăn tại địa phương bị thiếu hụt sẽ gây nên hậu quả là giá thức ăn tăng cao, phải chi ngoại tệ để nhập thức ăn chăn nuôi từ bên ngoài. Tình trạng thiếu thức ăn sẽ làm giảm khả năng sản xuất của vật nuôi và nguy cơ dịch bệnh xẩy ra rất lớn sẽ gây thiệt hại cho người chăn nuôi nói riêng và Đồng bằng sông Cửu Long nói chung.
Về thủy sản, các cơ quan chức năng đã tổ chức tư vấn, đánh giá chứng nhận cho 20 mô hình/23 cơ sở nuôi tham gia với tổng diện tích được đánh giá chứng nhận VietGAP là 87,26 ha, đạt 436% so với mục tiêu yêu cầu. Năng suất tôm sú thu được đối với mô hình áp dụng theo VietGAP đạt 1,6 tấn/ha so với mô hình nuôi quảng canh cải tiến, hoặc nuôi tôm sú ghép với đối tượng khác năng suất chỉ đạt 0,5 - 1,0 tấn/ha. Năng suất nuôi tôm thẻ chân trắng áp dụng theo VietGAP đạt 10,7 tấn/ha; tôm càng xanh đạt 10,24 tấn/ha. Chỉ tiêu đánh giá VietGAP đạt 93,24%, hiệu quả kinh tế tăng cao 20 - 30% và quản lý được môi trường nuôi, xử lý được ao thải và chất thải sau khi nuôi. Bốn mô hình từ sinh sản nhân tạo đến ương ngao giống cấp II đã được xây dựng. Số lượng ngao giống cấp I đạt 1.583,1 triệu con (cỡ trung bình 0,5 mm/con); ương lên ngao giống cấp II tỷ lệ sống đạt trên 51% tương đương đạt 810,1 triệu con ngao giống cấp II (cỡ 0,8 - 1,0 cm/con).
Thách thức và định hướng
Ở Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay, tình trạng lũ lụt và xâm nhập mặn hàng năm chưa có biện pháp hữu hiệu để kiểm soát đã gây nhiều trở ngại cho sản xuất nông nghiệp và an sinh trong vùng. Bộ giống cây trồng, vật nuôi chưa đáp ứng được sản xuất trong bối cảnh biến đổi khí hậu và nước biển dâng diễn ra nhanh hơn dự báo. Đến thời điểm hiện tại, trong bộ giống lúa vùng chưa có giống nào có khả năng chịu mặn vượt ngưỡng trên 5 phần nghìn.
Nhìn chung, hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật thấp kém, nhất là giao thông, thủy lợi, gây khó khăn cho việc hình thành vùng sản xuất tập trung quy mô lớn. Chất lượng nguồn nhân lực và trình độ dân trí chưa cao so với các vùng khác. Trình độ về quản lý sản xuất kinh doanh của nông hộ còn thấp. Áp lực việc làm ở nông thôn cao.
Chuyển dịch cơ cấu trong sản xuất nông nghiệp còn chậm, sản xuất kém ổn định, kém sức cạnh tranh, hiệu quả thấp. Chất lượng nông sản chưa cao, nhất là vấn đề an toàn thực phẩm, hàng hóa phần lớn chưa có thương hiệu, xuất xứ rõ ràng… là thách thức lớn trong quá trình hội nhập quốc tế. Giá trị hàng hóa nông sản thấp, đời sống nông dân chưa cao, dẫn đến xu thế người nông dân bỏ ruộng đất đi làm việc khác ở thành phố và khu công nghiệp. Lực lượng lao động ở nông thôn gia tăng ngày càng lớn, đòi hỏi phải giải quyết việc làm cho người lao động. Khai thác tài nguyên chưa hợp lý dẫn đến hiệu quả sử dụng chưa cao và môi trường đang bị suy thoái. Tại Đồng bằng sông Cửu Long, ô nhiễm môi trường, đặc biệt là môi trường nước dọc theo các sông, kênh rạch và rừng ngày càng suy kiệt do bị tàn phá và cháy đang là thách thức lớn.
Với những thách thức và khó khăn nêu trên, Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề xuất định hướng nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long trong những năm tiếp theo. Đó là nghiên cứu chọn tạo và phát triển các giống lúa mới năng suất, chất lượng cao, chống chịu sâu bệnh và điều kiện bất thuận phục vụ nội tiêu và xuất khẩu; chọn tạo được giống lúa có khả năng chịu mặn ≥ 6 phần nghìn; cải tiến tính chống chịu sâu, bệnh hại (rầy nâu, đạo ôn) của các giống lúa nhóm chủ lực, như giống OM 4900, OM4218...
Thực hiện các nhiệm vụ thuộc đề án khung phát triển sản phẩm quốc gia “Sản phẩm lúa gạo Việt Nam chất lượng cao, năng suất cao" thuộc Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia, mục tiêu đến năm 2020 là sẽ chọn tạo đưa vào sản xuất tại các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long 4 - 5 giống lúa chất lượng cao, có giá trị xuất khẩu từ 600 - 800 USD/tấn, chống chịu được sâu bệnh hại chính và điều kiện ngoại cảnh bất thuận; xây dựng được quy trình canh tác lúa tiên tiến, phù hợp tiêu chuẩn GAP, nâng cao giá trị gia tăng, giảm chi phí sản xuất, giảm phát thải khí nhà kính, đảm bảo an toàn thực phẩm. Đồng thời, nghiên cứu chọn tạo và phát triển các giống mới năng suất, chất lượng cao, chống chịu sâu bệnh và điều kiện bất thuận, phục vụ nội tiêu và xuất khẩu; xây dựng và hoàn thiện quy trình kỹ thuật sản xuất cây ăn quả theo hướng ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo hướng hữu cơ gắn với chuỗi giá trị; quy trình rải vụ cho các loại cây ăn quả chủ lực (thanh long, nhãn, chôm chôm, sầu riêng và xoài...).
Nghiên cứu, nhập các quy trình công nghệ tiên tiến nhằm tạo ra các chế phẩm sinh học phục vụ canh tác cây ăn quả đảm bảo an toàn thực phẩm, có giá trị kinh tế cao; sản xuất những tổ hợp gốc ghép (cam, bưởi, sầu riêng, chôm chôm...) có khả năng chống chịu mặn (ở nồng độ 6 - 8 phần nghìn), chịu ngập và chống chịu bệnh thối rễ do nấm Phytophthora spp. và Fusarium spp. Đi đôi với bảo tồn, phục tráng, khai thác và phát triển các giống cây ăn quả bản địa, cây ăn quả đặc sản có lợi thế so sánh và giá trị kinh tế cao, xây dựng chỉ dẫn địa lý cho một số sản phẩm cây ăn quả trong vùng.
Trên lĩnh vực thủy sản, nhiệm vụ trọng tâm là nghiên cứu làm chủ và phát triển công nghệ chọn tạo giống bố mẹ; kỹ thuật sản xuất giống tôm và cá tra sạch bệnh; phát triển công nghệ nuôi tiên tiến, ưu tiên công nghệ cao trong nuôi trồng thủy sản phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội; bảo quản sản phẩm nuôi trồng sau thu hoạch; sử dụng chế phẩm sinh học trong nuôi trồng thủy sản; giảm thiểu việc sử dụng kháng sinh trong nuôi thủy sản, đảm bảo an toàn thực phẩm.
Về nghiên cứu dịch tễ học một số bệnh, xây dựng quy trình phòng trị bệnh trên một số đối tượng thủy sản đảm bảo an toàn thực phẩm; chế tạo vắc xin, thuốc thú y thủy sản; sản xuất chế phẩm sinh học thay thế kháng sinh; nghiên cứu sản xuất thức ăn thủy sản, thức ăn bổ sung trong nuôi trồng thủy sản; chế tạo KIT phát hiện tồn dư kháng sinh, hóa chất độc hại, vi sinh vật gây ô nhiễm thực phẩm; nghiên cứu các giải pháp công nghệ nuôi ít sử dụng nước, xử lý môi trường trong nuôi thủy sản.
Nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên về khuyến nông là hỗ trợ chuyển giao giống mới, giống sạch bệnh, quy trình quản lý cây trồng tổng hợp, theo hướng GAP qui mô hàng hóa; xây dựng thương hiệu cho một số sản phẩm chủ lực; hỗ trợ chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, giống mới, giống có phẩm cấp, liên kết sản xuất theo chuỗi quy mô hàng hóa, đảm bảo an toàn thực phẩm gắn với xây dựng thương hiệu; dẩy mạnh xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất hữu cơ, đảm bảo an toàn thực phẩm cho một số cây trồng có giá trị kinh tế cao.
Bộ tiếp tục hỗ trợ xây dựng các mô hình chuyển đổi cơ cấu thời vụ, cơ cấu cây trồng trên đất sản xuất kém hiệu quả, sang phát triển các cây trồng khác hiệu quả cao hơn, phù hợp với vùng sinh thái, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu; chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật và quản lý (theo hướng VietGAP, ASC, GlobalGAP, BAP,...) trong sản xuất giống, nuôi trồng thương phẩm (tôm nước lợ, cá tra); ứng dụng công nghệ cao trong chế biến sản phẩm giá trị gia tăng từ phế phụ phẩm thủy sản.
Bài 4: Quy hoạch Đồng Tháp Mười thành vùng trữ nước ngọt