Ông Phạm Xuân Đương, Phó trưởng Ban thường trực Ban Kinh tế Trung ương cho biết: “Để nâng cao chất lượng hàng hóa nông sản, nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành nông nghiệp trong tiến trình hội nhập quốc tế; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giống nòi, tăng tuổi thọ và sức khỏe của người Việt Nam, vấn đề đảm bảo dinh dưỡng và an toàn thực phẩm đã được đặt ra như một nhiệm vụ chiến lược dài hạn trong Chiến lược phát triển bền vững ở nước ta”.
Theo ông Dương, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã có nhiều chủ trương, chính sách và lãnh đạo, chỉ đạo ngành các cấp các ngành, địa phương huy động nguồn lực con người và lợi thế tự nhiên để phát triển nông nghiệp xanh, sạch, bền vững, an toàn góp phần quan trọng vào xoá đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập của người dân nông thôn, cải thiện sức khỏe, dinh dưỡng và cuộc sống cho nhân dân.
Ông Phạm Xuân Đương, Phó trưởng Ban thường trực Ban Kinh tế Trung ương - Ảnh: VNE. |
Về việc tạo ra các chuỗi thực phẩm sạch, bà Lê Việt Nga - Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) chia sẻ: “Có 5 yếu tố ảnh hưởng tới chuỗi nông sản an toàn. Thứ nhất, Nhà nước cần có chính sách, pháp luật bảo đảm an toàn thực phẩm. Thứ hai, cần có sự quyết tâm, đầu tư đúng hướng, chuỗi cung ứng nông sản gắn liền với hệ thống quản lý chất lượng. Thứ ba, cần có sự ủng hộ, đón nhận tin tưởng của người tiêu dùng. Thứ tư, vai trò thông tin truyền thông về cung ứng chuỗi an toàn thực phẩm và cuối cùng là các tổ chức chính trị cùng vận động”.
Thực tế, Bộ Nông nghiệp đang quản lý quá trình sản suất, thu gom, xuất nhập khẩu, kinh doanh đối với ngũ cốc, thịt và các ản phẩm từ thịt, thuỷ sản, rau, củ quả… Bộ Công Thương được giao trách nhiệm quy hoạch, phân phối các sản phẩm ở chợ, siêu thị.
Bà Nga cho rằng, bảo đảm an toàn thực phẩm là trách nhiệm của toàn xã hội. Quản lý an toàn là bảo đảm các quy chuẩn kỹ thuật, quản lý trong suốt quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên cơ sở phân tích mối nguy hoại. Đồng thời đảm bảo phân công, phân cấp rõ ràng và phối hợp liên ngành.
Ngoài ra, bà Nga nhấn mạnh, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, hỗ trợ áp dụng các biện pháp tiên tiến kinh doanh nông sản; vốn, kỹ thuật cho chăn nuôi, công tác sơ chế, chế biến, bảo quản, lưu thông… Đồng thời cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ tiếp cận đất đai, hạ tầng thương mại phục vụ nông sản sạch. Tổ chức liên kết sản xuất và lưu thông.
Trong khuôn khổ Hội thảo, Ngân hàng Nông nghiệp Việt Nam (Agribank) và Tập đoàn Vingroup đã ký kết hợp đồng tín dụng để giúp tập đoàn Vingroup đầu tư vào sản xuất rau sạch theo công nghệ cao, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.Được biết, mỗi năm Agribank cam kết dành khoảng 10.000 tỷ với lãi suất ưu đãi cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, hộ nông dân vay sản xuất thực phẩm sạch theo chuỗi.