Diễn đàn có sự tham gia của trên 170 nhà nghiên cứu khoa học, chuyên gia, cán bộ trong lĩnh vực nông nghiệp, đại diện các hộ gia đình trồng ngô trên địa bàn 5 tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Hòa Bình và Phú Thọ.
Trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp của các tỉnh phía Bắc, ngô là một loại cây trồng chính, diện tích gieo trồng hàng năm lớn chiếm trên 30% diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Tổng diện ngô vụ Hè Thu năm 2019 theo kế hoạch là 529.187 ha, trong đó diện tích đã trồng đến ngày 12/7/2019 là hơn 416.228 ha.
Theo báo cáo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật các tỉnh trên toàn quốc, đến ngày 12/7/2019, tổng diện tích nhiễm sâu keo mùa thu gây hại trên ngô Hè Thu cả nước là hơn 15.581 ha, nhiễm nặng hơn 2.511 ha, diện tích phòng trừ 7.227 ha.
Tính tại các tỉnh phía Bắc (từ Ninh Bình trở ra), diện tích nhiễm toàn vùng là 7.053 ha, nặng 2 ha; phân bố ở 13 tỉnh Sơn La, Điện Biên, Phú Thọ, Yên Bái, Hà Nội, Hà Nam, Thái Bình, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Lai Châu, Lào Cai, Hòa Bình, Cao Bằng.
Ông Đỗ Hồng Khanh - Phó Trưởng phòng Bảo vệ thực vật, Cục Bảo vệ thực vật cho biết, qua theo dõi, đánh giá mức độ hại ở nhiều tỉnh từ tháng 3/2019 đến nay cho thấy, mặc dù giai đoạn ngô non 5 - 9 lá bị sâu keo mùa thu gây hại ngô vẫn trổ cờ, phần râu bình thường do giai đoạn này cây ngô có khả năng phát triển thân lá bù lại những phiến lá bị gây hại. Khi cây ngô hình thành bắp vẫn bị sâu gây hại những ít ảnh hưởng tới năng suất hạt.
Tại diễn đàn, các đại biểu đã thảo luận về thực trạng, khó khăn, vướng mắc và đưa ra phương hướng, giải pháp tổng thể phòng, chống sâu keo mùa thu hại ngô.
Ông Dương Gia Định - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sơn La cho biết, năm 2019, diện tích ngô trên địa bàn tỉnh Sơn La là 100.851 ha, trong đó vụ Hè Thu là 99.5 ha. Từ tháng 3/2019, dịch hại sâu keo mùa thu đã phát sinh trên ngô vụ Xuân Hè, chủ yếu là trên diện tích ngô trồng làm thức ăn cho bò sữa tại huyện Mộc Châu, Vân Hồ, sau đó bùng phát diện rộng trên địa bàn tỉnh Sơn La. Đến nay đã có trên 22.000 ha (chiếm 22% diện tích trồng) bị sâu keo mùa thu phá hại, nhiều diện tích nông dân phải phun thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ 2 - 3 lượt, một số nơi phải nhổ bỏ trồng lại.
Thực tế hầu hết các diện tích khi phát hiện sâu đã có mật độ cao, trên cùng một khu ruộng ngô sâu có nhiều pha phát dục gồm cả trưởng thành, trứng, sâu non các tuổi. Việc này khiến hạn chế hiệu quả phun trừ, bà con nông dân phun nhiều lần cũng không hiệu quả và làm sâu nhanh chóng kháng thuốc.
Theo ông Nguyễn Hồng Yến - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hòa Bình, sâu keo là loại gây hại mới, chưa có thuốc bảo vệ thực vật đặc trị; cùng với đó do địa hình canh tác phức tạp, diện tích trồng ngô phụ thuộc vào nước tự nhiên nên việc tuân theo lịch thời vụ ở một số địa phương chưa tập trung, khoảng cách thời vụ trong tỉnh chênh lệch dài ngày gây khó khăn trong việc phòng trừ dịch hại.
Hiện ngô Hè Thu chủ yếu đang trong giai đoạn ngô non, là giai đoạn mẫn cảm nhất đối với sâu keo mùa thu. Đại diện Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật các tỉnh phía Bắc đề xuất, Cục Bảo vệ thực vật sớm bổ sung các loại thuốc có hiệu quả phòng trừ sâu keo mùa thu trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam; nghiên cứu, tổng kết các giải pháp đã thực hiện, tiếp tục khảo sát, thử nghiệm các biện pháp trong phòng, chống sâu keo mùa thu phù hợp và có hiệu quả…
Ông Trần Văn Khởi - Quyền Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã khuyến cáo nhiều biện pháp phòng, chống sâu keo mùa thu hại ngô. Theo đó, trong thời gian tới, các địa phương cần tăng cường thông tin tuyền truyền về cách nhận biết, tác hại của sâu keo mùa thu đối với sản xuất ngô và nguy cơ gây hại của sâu trên các cây trồng khác; tổ chức tập huấn cho cán bộ cơ sở, bà con nông dân để chủ động trong phát hiện và phòng trừ dịch hại; chủ động phối hợp với các đơn vị chuyên môn trên địa bàn để xây dựng các mô hình phòng trừ tổng hợp, có hiệu quả để áp dụng trên diện rộng.