Hội nghị tập trung trao đổi các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh các chương trình, chính sách tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh, giúp người dân, doanh nghiệp tiếp cận, sử dụng vốn vay dễ dàng và hiệu quả hơn; trong đó, ưu tiên tập trung đủ vốn tín dụng phục vụ hoạt động thu mua, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản những tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023.
Lãi suất cao gây khó cho doanh nghiệp
Đồng bằng sông Cửu Long được đánh giá là vùng có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển ngành nông nghiệp, là vùng sản xuất và xuất khẩu thuỷ sản, lúa gạo và rau quả lớn nhất của cả nước. Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp, những tháng gần đây, lãi suất cao, nguồn vốn vay hạn chế đã gây nên những khó khăn trong tiếp cận vốn của doanh nghiệp; từ đó ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, tiêu thụ, xuất khẩu của doanh nghiệp và người nuôi trồng thủy sản vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Ông Nguyễn Minh Nhựt, Giám đốc Công ty Cổ phần Hoàng Minh Nhựt cho biết, thời gian qua, các ngân hàng siết "room" tín dụng, lãi suất các ngân hàng thương mại khá cao đã gây áp lực lớn cho doanh nghiệp.
Từ những khó khăn trên, đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội kiến nghị ngành ngân hàng phải có cách khơi thông, mở rộng gói tín dụng; giảm lãi suất ngân hàng; thủ tục cho vay đơn giản, rõ ràng, công khai minh bạch; cơ cấu lại thời hạn trả nợ vay;...
Nhận định tín dụng có vai trò quan trọng đối với ngành nông sản vùng Đồng bằng sông Cửu Long, ông Nguyễn Minh Nhựt, Giám đốc Công ty Cổ phần Hoàng Minh Nhựt cho biết, sản xuất lúa gạo và các sản phẩm nông nghiệp khác có tính chất thời vụ. Tới vụ thu hoạch, áp lực thu mua rất lớn, do đó, tín dụng cho sản xuất lúa gạo phải linh hoạt, ổn định trong thời gian dài chứ không phải đợi khi tới áp lực, ngân hàng mới tung ra gói tín dụng để thu, mua tạm trữ sản phẩm - đó chỉ là giải pháp giải quyết được phần ngọn mà không mang tính chất bền vững lâu dài.
"Ngân hàng Nhà nước thu thập nguồn thông tin để có room tín dụng đặc biệt cho các doanh nghiệp, các thành phần tham gia vào chuỗi giá trị của các ngành hàng nông sản của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước. Các thành phần tham gia trong các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp dễ dàng tiếp cận với nguồn vốn của các tổ chức tín dụng với lãi suất phù hợp để sản phẩm nông nghiệp có sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế ", ông Minh Nhựt đề xuất.
Theo ông Lê Thanh Thuấn, Tổng Giám đốc Tập đoàn Sao Mai, vấn đề giảm lãi suất nếu có sẽ tốt nhưng phải có cách khơi thông nguồn vốn. Người nông dân trông chờ doanh nghiệp, trong khi đó doanh nghiệp thì cạn kiệt nguồn nhân lực nhưng vay không được. Vì thế muốn giúp vốn cho người dân nhưng không làm được.
Ưu tiên "room" tín dụng cho nông nghiệp
Để ứng xử với tình hình khó khăn hiện nay của các doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng đã có những cam kết cung ứng đủ vốn tín dụng đáp ứng tốt nhất nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp, ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam cam kết từ nay đến Tết Nguyên đán sẽ dành hạn mức giải ngân thêm 5.000 tỷ đồng và giảm lãi suất 20% so với lãi suất cho vay đang áp dụng với dư nợ bằng đồng Việt Nam đối với nhu cầu thu mua, tiêu thụ, xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực Đồng bằng sông Cửu Long. Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) cũng sẽ tiết giảm khoảng 2.000 tỷ đồng để hỗ trợ lãi suất cho khách hàng; trong đó dự kiến khu vực Đồng bằng sông Cửu Long được giảm khoảng 300 tỷ đồng;...
Tại tỉnh Bến Tre, khi nhận được chính sách tăng trưởng "room" tín dụng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre (Agribank Bến Tre) đã triển khai ngay nội dung tăng trưởng tín dụng cho các khách hàng, đặc biệt là các khách hàng đầu tư cho chiến lược phát triển các cây trồng, vật nuôi theo Nghị quyết 07 - NQ/TU của Tỉnh ủy về xây dựng vùng sản xuất tập trung, gắn phát triển chuỗi giá trị nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Bến Tre giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Ông Vũ Hồng Dụ, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Agribank tỉnh Bến Tre cho biết, hiện nay một số doanh nghiệp đã nhận được vốn. Đồng thời, ngân hàng cũng tăng room tiếp tục triển khai cho vay theo hộ để phát triển nông nghiệp. Như vậy, sẽ tạo thành một chuỗi khép kín giữa doanh nghiệp và người dân.
Agribank Bến Tre đã phân bố trên 2.500 tỷ đồng cho các phòng giao dịch. Từ nay đến cuối năm sẽ phân bổ hết nguồn vốn trên cho doanh nghiệp, các hộ vay đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp thế mạnh ở Bến Tre.
Nhằm tạo lập môi trường và tạo đà cho phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế, đặc biệt là các ngành hàng nông sản chủ lực, vào ngày 5/12 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng định hướng năm 2022 thêm khoảng 1,5 - 2% cho toàn hệ thống các tổ chức tín dụng; trong đó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng cân đối vốn phù hợp để cấp tín dụng, tập trung vốn vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp nông thôn.
Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú, thời gian qua, ngân hàng nhà nước luôn tổ chức hội nghị kết nối giữa doanh nghiệp với các ngân hàng thương mại để bàn và tháo gỡ những khó khăn trong việc tạo điều kiện giúp doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn. Các ngân hàng cũng tự xác định trách nhiệm không chỉ là vấn đề kinh doanh tín dụng mà còn phải phục vụ cho tính chất thiết yếu của Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay.
Phương pháp này tạo điều kiện cho cả doanh nghiệp và ngân hàng có thể hiểu nhau hơn, chia sẻ với nhau trong hoạt động kinh doanh và đặc biệt là có được nguồn vốn giúp doanh nghiệp thu mua, tạm trữ nguyên liệu để chế biến, xuất khẩu. Đây là vấn đề rất quan trọng trong chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ của người nông dân, doanh nghiệp. Chính vì thế, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại đây là nhiệm vụ trọng tâm.
Ông Đào Minh Tú cũng cho rằng, các doanh nghiệp rất cần nhu cầu vốn với giá rẻ, trong khi đó, ngân hàng thương mại với tư cách là đơn vị vay của dân cho doanh nghiệp vay nên cũng cần sự an toàn, đảm bảo tính hợp lý giữa lãi suất huy động và cho vay.
Giải quyết hai nhu cầu từ phía ngân hàng và doanh nghiệp, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã có sự đồng hành với chính quyền địa phương chỉ đạo, tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại giảm chi phí một cách tốt nhất, tích cực nhất, giảm lãi suất cho vay, đáp ứng nguyện vọng của doanh nghiệp với lãi suất rẻ, cải cách thủ tục, điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận tín dụng một cách thuận lợi hơn.
Tuy nhiên, xét về phía ngân hàng cũng cần an toàn cho vay tín dụng. Chính vì thế, ông Đào Minh Tú cho rằng, phía doanh nghiệp cần nâng cao năng lực tài chính, năng lực quản trị, sử dụng vốn vay một cách minh bạch, công khai, tạo điều kiện theo dõi dòng tiền đầy đủ thuận lợi. Từ đó, sẽ tạo điều kiện gắn kết giữa ngân hàng với doanh nghiệp tích cực hơn, trên cơ sở đó sẽ phát huy được hiệu quả của đồng vốn vay và an toàn, lành mạnh trong thị trường tài chính.