Bên cạnh đó, các địa phương trong vùng phải giải quyết được bài toán về các điểm nghẽn, thách thức, cản trở, mẫu thuẫn, xung đột trong quá trình phát triển vừa qua và dự kiến trong thời gian tới.
Cùng với đó, quy hoạch là cơ hội để giải quyết các bài toán; tạo môi trường sống tốt nhất để hút hút chuyên gia, nhân tài, nhà khoa học…. Đồng thời, xây dựng được các hạ tầng xã hội vui chơi giải trí, mua sắm, ẩm thực, văn hóa… tạo nên giá trị mới như Singapore.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, TP Hồ Chí Minh xứng đáng để làm được mô hình phát triển như: kinh tế số, kinh tế chia sẻ, xanh, tuần hoàn… Bên cạnh đó, TP Hồ Chí Minh cũng cần phát triển thêm mô hình kinh tế ban đêm và đây là động lực đóng góp cho tăng trưởng của nền kinh tế trong thời gian tới.
Về tổ chức không gian phát triển, báo cáo cần phân tích rõ theo 3 tiểu vùng, từ các thuận lợi, khó khăn, thách thức. Đặc biệt, làm rõ vai trò của TP Hồ Chí Minh với vùng; vai trò của vùng với việc liên kết với Tây Nguyên, với Duyên hải Nam Trung Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long, để thấy được tác động bổ trợ nhau, hạ tầng kết nối, không gian phát triển như thế nào.
Về các dự án ưu tiên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng yêu cầu, các địa phương trong vùng xác định rõ thể chế đi kèm, vì không giải quyết được vấn đề không gian, hạ tầng mới thì không thể tạo đột phá. Đồng thời, cơ quan tư vấn phân tích để tạo không gian ngầm, tạo ra động lực mới, vừa giúp giảm tải giao thông, vừa giảm tải ô nhiễm và vừa phát triển kinh tế…
Về cơ chế, nguồn lực của vùng, Bộ trưởng cho rằng, cần phân cấp ủy quyền cho các địa phương. Bên cạnh đó cần nâng cao vai trò của Hội đồng Vùng... Các cơ chế để tạo động lực không gian mới, giá trị mới cho phát triển theo hướng đột phá táo bạo.
Vùng Đông Nam Bộ gồm 6 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, có diện tích 23.551,5 km2, là vùng có diện tích nhỏ thứ hai cả nước (chiếm 7,1%); dân số năm 2020 là 18.342,9 nghìn người (chiếm 18,8% dân số cả nước). Năm 2020, quy mô GRDP của vùng Đông Nam Bộ đạt 2,58 triệu tỷ đồng, gấp 2,6 lần năm 2010, và 1,4 lần năm 2015; đóng góp 32% GDP cả nước.
Đến năm 2022, GRDP của Vùng đạt 2,95 triệu tỷ đồng, chiếm 31,04% GDP cả nước, đứng thứ 1/6 vùng (vùng Đồng bằng sông Hồng là 30,4%; Trung du miền núi phía Bắc là 8,62%; Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung là 15,09%, Tây Nguyên là 13,02%, Đồng bằng sông Cửu Long là 12%).
GRDP bình quân đầu người của vùng năm 2020 đạt 140,5 triệu đồng/người, cao nhất 6 vùng, gấp 1,7 lần trung bình cả nước.
Tuy nhiên, vùng Đông Nam Bộ đang gặp những khó khăn. Theo Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Đông Nam Bộ đang chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, xảy ra úng, nhất là khu vực TP Hồ Chí Minh, một phần do triều cường; rủi ro xâm nhập mặn tăng cao, hạn hán khắc nghiệt, số ngày khô liên tục tăng lên và thay đổi nguồn nước ở thượng lưu; khoáng sản quy mô lớn có khả năng khai thác cho sản xuất công nghiệp không nhiều.
Không những thế, chất lượng lao động thấp hơn vùng Đồng bằng sông Hồng; tỷ lệ lao động qua đào tạo của vùng năm 2020 là 29,5%, năm 2022 đạt 28,2% (vùng Đồng bằng sông Hồng năm 2020 là 32,6%, năm 2022 là 37,1%).
Tỷ lệ thất nghiệp của vùng năm 2020 là 3,23%, năm 2022 là 2,88%, cao hơn trung bình cả nước (cả nước năm 2020 là 2,48%, năm 2022 là 2,34%). Diện tích đất bằng chưa sử dụng của vùng còn rất ít so với các vùng khác (2.270 ha so với 23 nghìn ha của vùng Trung du và miền núi phía Bắc và 43 nghìn ha của vùng Đồng bằng sông Hồng)…
TS. Trần Hồng Quang, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển cho rằng, vùng Đông Nam Bộ phát triển còn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, tăng trưởng kinh tế có xu hướng chậm.
Bên cạnh đó, mạng lưới kết cấu hạ tầng cấp vùng, liên vùng, nhất là hạ tầng giao thông kết nối nội vùng và liên vùng còn thiếu, chưa đồng bộ. Từ đó dẫn đến, tình trạng tắc nghẽn giao thông tại Tp. Hồ Chí Minh và một số địa bàn trong vùng chậm được khắc phục và ngày càng nghiêm trọng.
Cùng với đó, ngành công nghiệp phát triển thiếu bền vững, chủ yếu là gia công, lắp ráp, giá trị gia tăng thấp. Công nghiệp hỗ trợ phát triển chậm. Phân bố khu chế xuất, khu công nghiệp chưa hợp lý (khu vực trung tâm vẫn tập trung các khu công nghệ cần nhiều lao động, giá trị gia tăng thấp); chưa làm chủ được công nghệ cao, công nghệ lõi, công nghệ nguồn trong những ngành chủ lực…
Để tiếp tục hoàn thiện báo cáo để trình Chính phủ trong tháng 8 này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị, các địa phương đánh giá hiện trạng, nhận diện chính xác các điểm nghẽn của vùng; phải phân tích bằng số liệu, tính toán chứ không chỉ định tính, mà phải cân đong đo đếm được. Cùng với đó, các địa phương nhận diện được các vấn đề tắc nghẽn, thách thức, cản trở lớn đối với vùng để từ đó giải quyết.
Xác định vai trò, vị trí, sứ mệnh của vùng là rất lớn, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, các địa phương cần xác định các vùng động lực, các hành lang kinh tế mới, bổ sung cho nhau tạo động lực mạnh mẽ cho vùng phát triển. Đối với phân bổ không gian, nếu quy hoạch không tốt, sẽ tạo nên tắc nghẽn, ngập úng và những vấn đề xã hội khác.
“Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 07/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã ra đưa rất đầy đủ, rất rõ về quan điểm, mục tiêu, quan trọng là các địa phương trong vùng làm thế nào để tạo hiệu ứng, động lực lớn nhất cho phát triển”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.