Theo đó, từ ngày 1/1/2021 đến hết ngày 31/12/2021, mức giá dịch vụ cất cánh, hạ cánh tàu bay đối với các chuyến bay nội địa áp dụng bằng 50% mức quy định tại Thông tư số 53/2019/TT-BGTVT của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định mức giá, khung giá một số dịch vụ chuyên ngành hàng không tại cảng hàng không, sân bay Việt Nam.
Khung giá đối với các dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 1 Thông tư số 53/2019/TT-BGTVT (gồm dịch vụ thuê sân đậu tàu bay, dịch vụ thuê quầy làm thủ tục hành khách, dịch vụ cho thuê băng chuyền hành lý, dịch vụ thuê cầu dẫn khách lên, xuống máy bay, dịch vụ tra nạp xăng dầu hàng không… áp dụng khung giá với mức tối thiểu là 0 đồng, mức tối đa được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 53/2019/TT-BGTVT.
Từ ngày 1/1/2022 trở đi tiếp tục thực hiện theo mức giá quy định tại Thông tư số 53/2019/TT-BGTVT.
Theo Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng, năm 2020, thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP của Chính phủ về các nghiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19, trong khi Thông tư 53/TT-BGTVT chưa có điều khoản quy định áp dụng điều chỉnh giá trong trường hợp hoạt động vận chuyển hàng không chịu tác động tiêu cực do dịch bệnh.
Nhằm tháo gỡ khó khăn giảm bớt gánh nặng chi phí cho các hãng hàng không, Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Thông tư số 19/2020/TT-BGTVT quy định mức giá, khung giá một số dịch vụ chuyên ngành hàng không tại cảng hàng không, sân bay Việt Nam từ ngày 1/3/2020 đến hết ngày 30/9/2020.
Thông tư 19/2020/TT-BGTVT quy định chính sách giảm giá có thời hạn áp dụng trong 7 tháng và được ban hành trong bối cảnh dự kiến dịch COVID-19 sẽ sớm được kiểm soát, thị trường vận chuyển hàng không sớm được khôi phục trở lại.
Tuy nhiên cho đến nay, tình hình dịch COVID-19 tiếp tục kéo dài và có những diễn biến phức tạp, hoạt động kinh doanh của các hãng hàng không Việt Nam đang rơi vào tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng. Việc mất cân đối cung - cầu, thị trường quốc tế tiếp tục bị đóng cửa, sản lượng vận chuyển nội địa tiếp tục sụt giảm, khiến các hãng hàng không đều bị mất khả năng cân đối dòng tiền.
Cục Hàng không Việt Nam nhận thấy việc ban hành thông tư trên của Bộ Giao thông vận tải quy định mức giá, khung giá một số dịch vụ chuyên ngành hàng không tại cảng hàng không, sân bay Việt Nam là cần thiết, nhằm góp phần giảm bớt gánh nặng chi phí, tạo điều kiện cho các hãng hàng không có thể duy trì hoạt động, vượt qua giai đoạn khó khăn do chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19.
TS. Bùi Doãn Nề, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam cho hay, từ đầu năm đến nay, tình trạng máy bay phải nằm chờ tại sân bay kéo dài, khoảng 80-90% máy bay, chi phí thường xuyên bình quân trên 100 tỷ đồng/ngày. Việc Bộ Giao thông vận tải ban hành thông tư giảm 50% giá hạ cất cánh các chuyến bay nội địa là rất thiết thực, nhằm giúp các hãng hàng không có thể vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.
Ngoài ra, ông Bùi Doãn Nề cũng cho hay, ngành hàng không đã kiến nghị Chính phủ có giải pháp về nguồn vốn, cụ thể, xem xét cho các hãng hàng không khác được hưởng lãi suất 0% như đã thực hiện với Vietnam Airlines để giải quyết thanh khoản. Số vay cụ thể căn cứ vào nhu cầu, quy mô thị phần, đóng góp ngân sách trong thời gian qua của các hãng hàng không.
Trong tháng 9/2021, các hãng hàng không Việt Nam chỉ vận chuyển 18.000 khách, giảm 99% so với tháng 9/2020, trong đó quốc tế là 6.000 khách, giảm 64,1% so với tháng 9/2020; nội địa là 12 nghìn khách, giảm 99,3% so với tháng 9/2020.
Trong 9 tháng năm 2021, các hãng bay Việt Nam vận chuyển được 13,3 triệu khách, giảm 42,8% so với cùng kỳ 2020; trong đó quốc tế là 103.000 khách, giảm 96,2% so với cùng kỳ 2020; nội địa là 13,2 triệu khách, giảm 35% so với cùng kỳ 2020.