Ngày 28/7, Bộ Tài chính đề nghị các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối giảm giá xăng từ 14 giờ cùng ngày trong bối cảnh giá xăng thế giới có xu hướng giảm. Mức giảm do các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tự quyết.
Bộ Tài chính đề nghị các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối giảm giá xăng. Ảnh: Trọng Đạt - TTXVN
|
Theo đó, giá bán xăng hiện hành (sau khi đã sử dụng Quỹ BOG 670 đồng/lít) cao hơn giá cơ sở theo quy định (tham chiếu giá bán lẻ hiện hành của Petrolimex thì mức chênh lệch là 395 đồng/lít). Để góp phần bình ổn giá, các doanh nghiệp vẫn được sử dụng Quỹ BOG 600 đồng/lít (giảm sử dụng Quỹ BOG 70 đồng/lít); đồng thời Bộ Tài chính yêu cầu giảm giá bán xăng trong nước phù hợp với quy định.
Đối với dầu điêzen 0,05S và dầu hỏa, giảm giá bán tối thiểu tương ứng với mức chênh lệch giữa giá bán hiện hành cao hơn giá cơ sở; giá bán sau khi điều chỉnh không cao hơn giá cơ sở theo quy định (trong đó giá cơ sở của dầu điêzen 0,05S là 22.334 đồng/lít; dầu hỏa là 22.464 đồng/lít).
Dầu madút, Bộ Tài chính yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu đầu mối giữ ổn định giá bán trong nước như hiện hành; đồng thời ngừng sử dụng Quỹ Bình ổn giá (giảm từ 300 đồng/kg như hiện hành xuống còn 0 đồng/kg).
Bộ Tài chính cho biết, nếu tham chiếu theo giá hiện hành của Tập đoàn xăng dầu Việt Nam, thì mức giảm tối thiểu đối với xăng là 325 đồng/lít; dầu điêzen 0,05S là 346 đồng/lít; dầu hỏa là 346 đồng/lít).
Theo Bộ Tài chính, việc điều hành giá xăng dầu trong nước được thực hiện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của nhà nước, thực hiện quy định của Nghị định số 84/2009/NĐ-CP; điều hành giá xăng dầu trong nước theo xu hướng giá xăng, dầu thị trường thế giới tùy từng chủng loại xăng, dầu và chia sẻ hài hòa lợi ích giữa các bên tham gia thị trường.
Trước đó, hôm 18/7, liên bộ Tài chính - Công Thương yêu cầu doanh nghiệp không tăng giá xăng, nhưng được sử dụng Quỹ bình ổn thêm 170 đồng/lít, từ 500 đồng/lít lên 670 đồng/lít.
PV