Theo đó, căn cứ Quyết định số 1757/QĐ-BTNMT ngày 11/8/2020 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc ban hành Danh mục nguồn nước liên tỉnh và Danh mục nguồn nước liên quốc gia (nguồn nước mặt)... Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Danh mục giá trị dòng chảy tối thiểu ở hạ lưu 555 hồ chứa, trong đó công trình thủy điện có 529 hồ chứa và công trình thủy lợi có 26 hồ chứa. Đập dâng của 511 công trình, trong đó có đập dâng của 487 công trình thủy điện và đập dâng của 24 công trình thủy lợi.
Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm trong theo dõi, giám sát việc bảo đảm dòng chảy tối thiểu ở hạ lưu các hồ chứa, đập dâng. Cục Quản lý tài nguyên nước có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc bảo đảm dòng chảy tối thiểu ở hạ lưu các hồ chứa, đập dâng; xử lý vi phạm đối với hành vi không bảo đảm dòng chảy tối thiểu theo quy định. Định kỳ rà soát, cập nhật, tổng hợp và trình Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố dòng chảy tối thiểu ở hạ lưu các hồ chứa, đập dâng thuộc thẩm quyền cấp giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt của Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 31 tháng 1 hằng năm.
Văn phòng Bộ có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Cục Quản lý tài nguyên nước để đăng tải Quyết định này và tổ chức việc đăng tải, công bố dòng chảy tối thiểu đối với các hồ chứa, đập dâng được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt giá trị dòng chảy tối thiểu từ ngày 1/7/2021 lên Cổng thông tin điện tử của Bộ theo quy định của Thông tư số 64/2017/TT-BTNMT.
Theo Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Chân Trần Vĩnh, năm 2020 trên địa bàn cả nước có 429 công trình thủy điện đã được đưa vào vận hành khai thác (trong đó có 18 hồ chứa thủy điện quan trọng đặc biệt, 158 hồ lớn, 253 hồ vừa và nhỏ). Các hồ chứa thủy điện với tổng dung tích khoảng 56 tỷ m3 chiếm 86% tổng dung tích hồ chứa trên địa bàn cả nước đã góp phần quan trọng vào việc: cắt/giảm/làm chậm lũ cho hạ du góp phần vào việc làm giảm thiểu thiệt hại do lũ gây ra, cung cấp nước cho sinh hoạt, sản xuất... trong mùa cạn...
Hồ chứa thủy điện ngoài nhiệm vụ là phát điện đảm bảo an ninh cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia còn phải đảm bảo hài hòa các lợi ích về kinh tế - môi trường - xã hội khác như đảm bảo dòng chảy tối thiểu, phối hợp với các hồ chứa thủy lợi cấp nước cho nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt, nông nghiệp và sản xuất của nhân dân vùng hạ du trong mùa kiệt, đảm bảo an toàn công trình và góp phần giảm lũ cho hạ du trong thời kỳ mùa lũ.