Gian nan giải pháp chống chuyển giá

Mặc dù dấu hiệu chuyển giá ở một số doanh nghiệp FDI tại Việt Nam đã bộc lộ khá rõ khi có tới 50% doanh nghiệp dù khai báo lỗ nhưng vẫn liên tục mở rộng sản xuất, nhưng đến nay, các cơ quan chức năng vẫn chưa tìm được bằng chứng cụ thể để kết luận chính xác hành vi gây thiệt hại kinh tế rất lớn này. Vì vậy, việc tìm ra các giải pháp chống chuyển giá nhằm nâng cao hiệu quả và chất lượng đầu tư đang là nhiệm vụ bức xúc đặt ra với các cơ quan chức năng.

Thiệt hại lớn về kinh tế


Báo cáo của Tổng cục Thuế cho thấy: Năm 2011, ngành thuế đã thực hiện thanh tra chống chuyển giá tại 921 doanh nghiệp lỗ, doanh nghiệp có dấu hiện chuyển giá, xử lý giảm lỗ 6.617 tỷ đồng (tăng 3,5 lần so với cùng kỳ năm trước). Tuy nhiên đây mới chỉ là những thiệt hại ban đầu, còn các thiệt hại lớn hơn chưa thể đánh giá được hết.

Theo Tiến sỹ Vũ Đình Ánh (Bộ Tài chính), chuyển giá là chuyển lợi nhuận ra nước ngoài thông qua giá cao khi nhập khẩu nguyên vật liệu, máy móc thiết bị và giá thấp khi xuất khẩu, bất chấp doanh nghiệp tại nước sở tại không có lợi nhuận, thậm chí thua lỗ. Sau khi đã thu hồi vốn đầu tư và đạt mục tiêu lợi nhuận thì các doanh nghiệp chuyển giá có thể cho phá sản, giải thể hay bán lại doanh nghiệp với giá rẻ.

Vì vậy, hiện tượng chuyển giá ở các doanh nghiệp FDI xảy ra sẽ gây thiệt hại lớn với nền kinh tế Việt Nam bởi khối này đang chiếm tới 20% GDP, 50% kim ngạch xuất khẩu, 40% giá trị sản xuất công nghiệp và 30% tổng thu ngân sách Nhà nước.

Bộ phận kiểm tra chất lượng sản phẩm của Công ty Sản xuất phanh NISSIN Việt Nam thuộc địa bàn huyện Bình Xuyên (Vĩnh Phúc), là doanh nghiệp 100% vốn Nhật Bản. Ảnh: Danh Lam – TTXVN


Theo Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài-Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Đỗ Nhất Hoàng, hiện việc tiếp cận doanh nghiệp FDI là rất khó khăn khi tổng số doanh nghiệp FDI tại Việt Nam đã lên tới trên 13.500 doanh nghiệp trong khi quân số, kỹ năng, kinh nghiệm của cán bộ Việt Nam còn hạn chế.

Do Việt Nam chưa xây dựng được bộ cơ sở dữ liệu về giá cả nguyên liệu, vật liệu nên cho dù thời gian vừa qua, đoàn kiểm tra liên ngành đã đối chiếu danh mục giá cả vật tư, thiết bị của doanh nghiệp FDI khai với cơ quan thuế Việt Nam với giá cả của chính vật tư, thiết bị đó ở Công ty mẹ nước ngoài, nhưng chưa phát hiện thấy bằng chứng gì. Thêm vào đó, việc hợp tác với các cơ quan tài chính, thuế nước ngoài để tìm ra bằng chứng chuyển giá của doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam khá khó khăn, bởi xét đến cùng, doanh nghiệp FDI có chuyển giá thì cũng mang lại lợi ích cho chính quốc gia của họ, ông Hoàng nhấn mạnh. Dẫn chứng về sự khó khăn trong việc tìm ra bằng chứng chuyển giá, ông Hoàng cho biết: Các cơ quan chức năng của Hoa Kỳ với kinh nghiệm và công cụ tối tân cũng phải mất vài năm mới tìm ra được bằng chứng một công ty thực hiện chuyển giá 2 tỷ USD với một mặt hàng dược phẩm.

Chủ động kiểm soát đầu vào


Về phía Bộ Tài chính-cơ quan chủ quản trong lĩnh vực kiểm tra giá cả, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho hay: Để hạn chế thấp nhất các thiệt hại từ chống chuyển giá, năm 2012 này, cơ quan sẽ thanh tra, kiểm tra khoảng 1.500 doanh nghiệp, bằng 140% kế hoạch năm 2011, đôn đốc thu vào ngân sách đạt 80% số truy thu và phạt qua kết luận thanh tra và biên bản kiểm tra thuế.

Còn Tiến sỹ Vũ Đình Ánh cho biết: Giải pháp quan trọng nhất để chống chuyển giá không phải là sự kiểm soát giá nhập khẩu của cơ quan hải quan mà phải kết hợp đồng bộ giữa các cơ quan chức năng trong việc quản lý, kiểm soát giá máy móc thiết bị, nguyên vật liệu nhập khẩu để chống chuyển giá ngay từ khâu kêu gọi đầu tư, xét duyệt thẩm định dự án, cấp phép cho dự án đến quá trình thực hiện dự án và thanh tra kiểm tra, kiểm toán, thu thuế thực hiện dự án. Nói cách khác, toàn thể bộ máy liên quan đến FDI cần nắm vững về thị trường giá cả các hàng hóa dịch vụ nhập khẩu của doanh nghiệp FDI thì mới đảm bảo được khả năng chống chuyển giá, thông qua đó, nâng cao chất lượng thu hút FDI.

Để đối phó với tình trạng chuyển giá, bên cạnh các biện pháp trên, Việt Nam cần đầu tư mạnh hơn vào sản xuất thay thế nhập khẩu, đặc biệt là phát triển ngành công nghiệp phụ trợ để vừa giảm nhập khẩu đầu vào cho sản xuất, vừa chủ động kiểm soát được thị trường giá cả các yếu tố đầu vào, thông qua đó kiểm soát thị trường giá cả sản phẩm đầu ra, chủ động khả năng nâng cao cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam.

Thành công của hoạt động chống chuyển giá chỉ được đảm bảo khi có sự phối hợp đồng bộ và chặt chẽ của các bộ, ban ngành trung ương và các cấp chính quyền địa phương có liên quan đến FDI ngay từ khâu kêu gọi thu hút đầu tư, thẩm định cấp phép đến quản lý, kiểm tra, giám sát, kiểm toán thực hiện dự án FDI với hệ thống công cụ cả ở cấp vĩ mô và vi mô, Tiến sỹ Ánh nhấn mạnh.

TTN

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN